Nhắc đến quả bơ, nhiều người thường cho rằng chỉ có ở Đắk Lắk, Lâm Đồng mới thơm ngon. Nhưng tại huyện Châu Đức, thương hiệu bơ Thái Dương cũng nổi tiếng không kém, trở thành sản phẩm được yêu thích và đem lại lợi nhuận cao cho người trồng, ghi tên vào danh sách những sản vật nổi tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu. Cũng ít ai biết rằng, bơ sáp chỉ cấy ghép thành công mới vài năm nay bởi một “kỹ sư tay ngang” - anh Nguyễn Cảnh Thái Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thái Dương.
Bảo đảm tiêu chí xanh
Năm 2011, anh Dương bỏ nghề xây dựng tại Tp. Hồ Chí Minh, trở về quê nhà xã Xà Bang. Từ những cây bơ còn sót lại trong vườn, anh nhen nhóm ý tưởng sẽ phát triển thành loại cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Anh bắt đầu mày mò, nghiên cứu để ghép và chọn giống bơ phù hợp với thổ nhưỡng của Châu Đức.
Anh Dương kiểm tra sự phát triển của bơ trong đợt ra trái đầu mùa tại vườn |
Thời gian đầu, anh thất bại liên miên, tỷ lệ mắt ghép sống và phát triển tốt rất ít. Nhưng hai vợ chồng anh cứ mày mò vừa làm, vừa tự rút kinh nghiệm. Cả năm trời thử nghiệm trên nhiều cây chủ khác nhau, 3 năm sau, anh mới thành công bước đầu khi những cây bơ được lai tạo cho mùa quả đầu tiên.
Giống bơ mà anh tạo ra vừa có năng suất, vừa có chất lượng cao, đặc biệt hơn là có thể cho trái quanh năm. Để tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng, bảo đảm đầu ra cho cây bơ trong tình cảnh trái cây Việt ngày càng mất điểm vì dư lượng chất bảo vệ thực vật, hay các loại thuốc thúc chín…, anh mày mò tìm cách làm sao để “giữ sạch” cho trái bơ bởi đây là loại cây rất dễ bị sâu bệnh.
Anh bắt tay vào nghiên cứu để tìm loại thuốc “gia truyền” đặc trị các loại nấm mốc trên cây, lá bơ cũng như các loại sâu bệnh hại trái khi bơ chuẩn bị cho thu hoạch. Chọn một góc vườn để làm thử, khi cây có trái, anh pha vôi với nước theo liều lượng vừa phải rồi tưới thẳng lên cây.
Phương pháp truyền thống tưởng chừng như “lỗi thời” ấy lại giúp cây bơ phát triển tốt và hoàn toàn không bị các loại sâu bệnh thông thường. Đặc biệt, anh duy trì việc hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chỉ bón các loại phân hữu cơ khi trồng mới để bảo đảm cho tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường.
Xây dựng thương hiệu
Để xây dựng thương hiệu cho giống bơ mình tạo ra, anh cùng một số người bạn tham gia thành lập HTX Nông nghiệp Thái Dương. Hiện nay, diện tích trồng bơ của HTX khoảng 4 ha, mỗi tháng thu hoạch khoảng 400kg. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn trái là cần thiết để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Giới thiệu sản phẩm bơ sáp Thái Dương với khách hàng tại hội chợ nông sản |
Trong quá trình chăm sóc, việc bón phân được kiểm soát nghiêm ngặt, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường. Từng công đoạn chăm sóc đều được theo dõi, ghi chép cẩn thận. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ quy trình giãn cách 20 ngày giữa các đợt phun, bảo đảm lượng thuốc đã phân hủy hết.
Trước khi thu hoạch, các thành viên HTX dừng phun thuốc 30 ngày để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, HTX còn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: sử dụng hệ thống máy giám sát dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm của cây để cho ra những quả bơ chất lượng.
Nhờ sản xuất sạch, bơ sáp Thái Dương hiện đã có mặt ở các tỉnh, thành như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Định, đơn đặt hàng với giá gần gấp đôi so với thị trường, từ 60-90 ngàn đồng/kg.
Từ hiệu quả đó, nhiều hộ trồng bơ trên địa bàn xã đã liên kết với HTX Nông nghiệp Thái Dương để sản xuất bơ, nhằm tạo đầu ra ổn định và tăng thu nhập. Anh Dương nhẩm tính, 1ha trồng được 625 cây bơ, mỗi cây cho thu hoạch 50kg. Nếu tính giá thấp nhất bán tại vườn từ 20-25 ngàn đồng/kg, mỗi cây bơ thu từ 1-1,2 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và công chăm sóc, nông dân lãi khoảng 500 triệu đồng/ha. Với giá bán từ 60.000 đồng/kg trở lên thì lãi sẽ tăng gấp đôi...
Về dự định của HTX trong thời gian tới, anh Dương cho biết sẽ mở rộng diện tích để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. HTX cũng đang liên hệ tìm hiểu quy trình sản xuất các sản phẩm khác làm từ bơ như tinh dầu bơ, bột bơ, trà bơ… để đa dạng hóa sản phẩm.
Hà Xuyên