Vùng quế Văn Yên được hình thành từ lâu đời và gắn liền với cuộc sống của người Dao. Những kinh nghiệm trồng quế đặc trưng như chọn giống, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao.
Xử lý sản phẩm thừa, bảo vệ môi trường
Hiện tại, quế đang được trồng tập trung ở 8 xã là Phong Du Thượng, Phong Du Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Đại Sơn, Viễn Sơn, Tân Hợp và Mỏ Vàng. Quế trồng ở đây có chất lượng cao vì hợp chất đất. Quế không chỉ là cây phát triển kinh tế mà còn là cây rừng bảo vệ thiên nhiên, góp phần cải thiện môi trường sinh thái.
Những năm qua, tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Văn Yên nói riêng đã có nhiều chính sách, giải pháp để phát triển vùng quế ổn định và bền vững. Cùng với việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện Văn Yên đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, thu mua và tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ và cành, lá quế cho bà con trồng rừng kinh tế. Đồng thời, huyện cũng đã chủ động hướng nguồn lực tập trung vào phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm từ cây quế ngay tại chỗ.
Đặc thù của cây quế hàng năm phải tỉa thưa, cắt cành để cho cây phát triển. Với trên 14.000 ha trồng quế như hiện nay, khối lượng cành, lá quế hàng năm phải cắt bỏ là rất lớn.
Trước đây, để xử lý số lượng cành, lá này, người dân Văn Yên thường đốt, hoặc làm củi đun, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt với tính chất chứa nhiều chất gây cháy trong cây quế, việc đốt bỏ cành lá có thể dẫn đến cháy rừng.
Tuy nhiên, theo tiến bộ của KH-KT, trên thế giới đã có công nghệ tận dụng cành, lá và ngọn cây quế để chưng cất lấy tinh dầu. Số sản phẩm thải sau khi chưng cất có thể được chế biến để làm chất đốt…
Dây chuyền chế biến tinh dầu quế của HTX |
Tận dụng tối đa lợi ích kinh tế
Năm 2008, HTX Nông lâm nghiệp Công Tâm (thôn Tháp Con, xã Viễn Sơn, Văn Yên, Yên Bái) ra đời, với ngành nghề chính là thu mua chế biến, xuất khẩu tinh dầu quế, quế vỏ, sắn lát khô.
Sau khi thành lập, HTX đã giúp người trồng quế trên địa bàn, trong đó 90% là người dân tộc Dao, gia tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, ổn định an sinh xã hội địa phương.
Với sự chủ động tìm kiếm thị trường, học hỏi kinh nghiệm, đầu tư máy móc thiết bị, huy động nội lực phát triển sản xuất, HTX đã từng bước khắc phục khó khăn, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động tại địa phương.
Sau khi tìm được hướng đi đúng đắn và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của các đối tác, HTX đã mạnh dạn huy động vốn đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ một khu nhà xưởng hiện đại trên 1.000m2, lắp đặt mới 1 dây chuyền chưng cất tinh đầu quế với công suất 600 tấn lá quế/tháng, hệ thống nhà kho chứa nguyên vật liệu 3.000 m2 trị giá trên 5 tỷ đồng...
Với dây chuyền này, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu các sản phẩm quế từ người dân trên địa bàn. Sản phẩm người dân tự mang đến và được HTX thu mua và trả tiền mặt trực tiếp cho các hộ dân.
Sau khi chưng cất tinh dầu, phần chất thải còn thừa của cây quế được HTX tận dụng bằng cách nghiền và sơ chế cung cấp làm chất đốt. Hiện HTX đang cung cấp chất đốt cho công ty Thuốc lá Thăng Long và công ty Cao su Sao Vàng tại Hà Nội với sản lượng 700 tấn/năm.
Nhờ tận dụng được toàn bộ giá trị của cây quế, HTX đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Vốn điều lệ của HTX tăng từ 1 tỷ đồng (lúc mới thành lập) lên hơn 6 tỷ, vốn hoạt động tăng từ 1,5 tỷ lên hơn 7 tỷ đồng, doanh thu từ 2 - 3 tỷ lên 6 - 7 tỷ đồng, lợi nhuận tăng từ 350 triệu lên xấp xỉ 400 triệu đồng, nộp ngân sách 720 triệu đồng, lao động thường xuyên tăng từ 25 lên 42 lao động.
“Những kết quả sau khi chuyển đổi giúp gia tăng đáng kể giá trị sản phẩm của HTX, thúc đẩy thu nhập của người lao động tăng 40 - 50%, từ 3,3 triệu đồng/người/ năm lên 4,5 - 5 triệu đồng/người/năm. Hai sản phẩm chính của HTX là tinh dầu quế và chất đốt (vỏ, lá quế)”, Giám đốc Trần Văn Kiên cho hay.
Hồng Nhung