Mô hình sản xuất rau của HTX thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước |
Là HTX toàn xã nhưng bộ máy của Cẩm Hà được sắp xếp khá tinh gọn, trong đó cán bộ gián tiếp 4 người, 8 người phụ trách nông nghiệp, 12 người ở đội thủy nông, 3 người tổ thu mua, sơ chế và tiêu thụ rau là 15 người.
HTX đang tập trung phát triển 18 chủng loại rau, như: cải ngọt, cải xanh, cải trắng, mồng tơi, rau muống, tăng ô, é trắng, é đỏ, rau răm, rau húng, hành hương...
Khẳng định chất lượng
Được sự quan tâm của địa phương, HTX đã có diện tích trồng rau tập trung rộng 18ha với 200 hộ tham gia sản xuất. HTX cũng chú trọng đầu tư nhà lưới, thực hiện sản xuất theo mô hình trồng rau an toàn VietGAP.
Diện tích rau của HTX được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu “Rau Trà Quế”. Đây là điều kiện và cũng là nền tảng để sản phẩm của HTX tiếp cận những đối tác tiềm năng.
Bên cạnh sản xuất, Ban Giám đốc HTX đã chủ động liên kết với hệ thống siêu thị Metro Đà Nẵng, siêu thị Co.opMart Đà Nẵng, nhờ đó rau của các thành viên và người dân nhanh chóng có mặt tại siêu thị, đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày, HTX sản xuất trên 2 tấn rau các loại, cung cấp cho hệ thống siêu thị tại Đà Nẵng 1 - 1,5 tấn rau/ngày, số còn lại được tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn lớn ở Hội An, Đà Nẵng và các chợ đầu mối.
Tính ra mỗi năm, một sào rau mang lại thu nhập cho thành viên và bà con khoảng 18 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thành viên còn lãi khoảng 12 triệu đồng, gấp 7-8 lần so với trồng lúa. Đời sống của thành viên và bà con nông dân nhờ đó cũng ổn định.
Với hệ thống nhà lưới, phân khu canh tác rau, quả rõ ràng; hệ thống đường nội bộ, khu sơ chế sạch sẽ, là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển loại hình du lịch đồng ruộng, thu hút khách du lịch trải nghiệm quy trình trồng rau an toàn.
Theo ông Nguyễn Hoan, Giám đốc HTX, trung bình mỗi ngày, HTX đón 5-7 đoàn với hàng chục lượt du khách, học sinh đến tham quan, trải nghiệm mô hình. Đây là điều kiện thuận lợi để khẳng định thương hiệu và tăng thu nhập cho thành viên.
Với tâm huyết của các thành viên, HTX đã tạo dựng nên một vùng rau chuyên canh đặc trưng, trở thành điểm đến không thể quên của không ít du khách khi đến với Hội An.
Phát triển bền vững
Để có được kết quả như hôm nay, HTX phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng sản phẩm, công khai giá bán, giá mua, tạo được niềm tin cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, việc thành lập các tổ tự quản để phân công người trực tiếp thu mua, sơ chế rồi vận chuyển nông sản đến trực tiếp các siêu thị đã giúp hoạt động của HTX ngày càng quy củ. Nhờ đó, các thành viên cũng nắm được sự dao động về giá, lợi nhuận thu được hàng ngày.
Đặc biệt, rau do HTX sản xuất bảo đảm sạch từ khâu chọn đất và hệ thống nước tưới không bị ô nhiễm. Đất được tăng độ mùn và tơi xốp bằng rong ở sông Đế Võng. Ngoài ra, người dân còn dùng loại phân chuồng để hoai, phân vi sinh chế biến từ thảo mộc để bón cho rau.
Nhờ vậy nên dù sản xuất trên diện tích lớn và sản xuất quanh năm nhưng không ảnh hưởng đến môi trường. Đất được cung cấp thêm độ xốp, độ phì nhiêu. Sản phẩm làm ra cũng bảo đảm sạch khi đến người tiêu dùng.
Với tiềm năng, sự chuyển động tích cực trên, mô hình sản xuất của HTX đã, đang và sẽ là nguồn "nguyên liệu vàng" để xây dựng, phát triển du lịch nông nghiệp ở Quảng Nam. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy nông nghiệp phát triển ngày càng bền vững, đem lại giá trị kinh tế và xã hội cho con người.
Như Yến