Nhận thấy tiềm năng lớn từ các nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương, năm 2017, 7 hộ gia đình tại xã Liêm Phú đã liên kết cùng nhau thành lập HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ Bình Phú để phát triển nghề trồng nấm.
Khởi đầu từ nghề nấm hữu cơ
HTX mạnh dạn đầu tư nhà nuôi phôi, lò hấp, nhà giàn và khu đóng gói để sản xuất các loại nấm sò, nấm rơm, nấm hoàng đế và nấm linh chi theo phương thức hữu cơ.
Với tiêu chí phải sản xuất nấm sạch đi đôi với bảo vệ môi trường, HTX tuyệt đối không sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu hay phân hóa học mà để nấm phát triển hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên. HTX cũng đầu tư hệ thống phun sương tạo ẩm và điều hòa nhiệt độ để tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển.
Trồng nấm hữu cơ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần cải thiện môi trường. |
Ông Đặng Văn Bình, Giám đốc HTX cho biết sau mỗi vụ thu hoạch, hàng trăm tấn rơm rạ tại địa phương bị vứt bỏ hoặc đốt gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, HTX đã thực hiện thu mua và tận dụng theo hình thức quay vòng cả rơm rạ và bã thải để phục vụ trồng nấm, giúp thành viên có cuộc sống ổn định và hạn chế phát sinh rác thải ra môi trường.
Trung bình mỗi ngày, HTX sản xuất trên 1,1 tạ nấm các loại, trừ chi phí, cho lãi khoảng gần 2 triệu đồng đảm bảo thu nhập cho các thành viên từ 4,5 – 5 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thời vụ cho từ 15 - 20 lao động phụ nữ tại địa phương.
Chị Hoàng Thị Phương, thành viên HTX, cho biết từ khi tham gia HTX, cuộc sống gia đình đã ổn định hơn, sản phẩm làm ra không phải lo lắng tìm thị trường. Chính vì vậy, chị mong HTX Bình Phú tiếp tục phát triển để các thành viên có việc làm và thu nhập ổn định.
Theo Ban giám đốc HTX, khi tất cả thành viên cùng liên kết lại sản xuất sẽ tạo thành mô hình quy mô lớn. Toàn bộ sản phẩm được HTX đứng ra cam kết có đầu ra và đặc biệt là đơn vị thu mua đến tận nơi nhập hàng theo hợp đồng nên tiết kiệm được thời gian, công sức.
Triển vọng từ trồng dâu nuôi tằm
Không chỉ tập trung trồng nấm, HTX Bình Phú còn liên kết với một số doanh nghiệp ngoài tỉnh phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm. Được cung cấp về giống, phân bón, được cam kết bao tiêu sản phẩm kén đầu ra đã giúp các hộ dân gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm.
Đến nay, HTX liên kết cùng 100 hộ phát triển vùng nguyên liệu dâu tằm rộng 20ha. Nhiều người sẵn sàng từ bỏ những cây lương thực truyền thống kém hiệu quả sang trồng dâu sau khi nhận thấy giá trị kinh tế mà loài cây này mang lại.
“Tính sơ bộ, mỗi ha dâu sẽ cho 2 tấn kén/năm, doanh thu trên 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận gần 150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều các loại cây bản địa. Đây là một hướng đi hợp lý giúp bà con nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương”, ông Đặng Văn Bình thông tin.
Hiện, toàn bộ kén tằm của HTX được doanh nghiệp liên kết thu mua với giá khoảng 80.000 đồng/kg. Đây là nguồn thu đáng kể để góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng dâu, nuôi tằm. Nhiều hộ còn sẵn sàng đầu tư xây dựng nhà nuôi tằm nhằm mở rộng quy mô ươm kén và nâng cao thu nhập.
Trồng dâu nuôi tằm là nghề có nhiều triển vọng ở xã Liêm Phú. |
Đặc biệt, ngoài kén tằm là sản phẩm chính, nghề nuôi tằm còn cho nhiều sản phẩm phụ có giá trị cao như: nhộng tằm, phân bón cho cây cảnh… Canh tác dâu trên quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến còn giúp đất tránh bạc màu, hạn chế tình trạng rửa trôi, xói mòn đất dốc vào mùa mưa.
Để thuận lợi hơn trong sản xuất, Ban giám đốc đã phân công mỗi thành viên phụ trách một nội dung công việc. Trong đó, người thì trồng nấm, người trồng dâu, người bán hàng, thu gom nguyên liệu... Vì vậy, sản phẩm làm ra đều bảo đảm chất lượng và đến với nhiều đối tượng khách hàng.
Hiện, ngoài 7 thành viên, HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ Bình Phú còn tạo việc việc làm thường xuyên cho 25 lao động với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn có hàng chục lao động thời vụ.
Tùng Lâm