Chú trọng bảo vệ môi trường giúp nâng cao hiệu qủa chăn nuôi |
Có vào nghề mới thấy hết sự vất vả, cực nhọc của người chăn nuôi, nhất là khi xảy ra dịch bệnh, vật nuôi ứ đọng. Nhưng suy nghĩ ấy giờ đã không còn bởi các thành viên HTX An Phát luôn quyết tâm, cố gắng hết sức vì số vốn bỏ ra cho chăn nuôi lợn lên đến hàng tỷ đồng.
Chăn nuôi không chất thải
HTX An Phát có quy mô 550 lợn nái, hơn chục nghìn lợn thịt, hàng năm cung ứng ra thị trường trên 14.000 tấn thịt lợn. Dù chăn nuôi theo quy mô hàng hóa và thực tế đã có nhiều dịch bệnh xảy ra nhưng HTX vẫn trụ vững trên thị trường. Chất lượng đàn lợn và sản phẩm vẫn bảo đảm các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có được điều đó là nhờ 100% thành viên HTX đều nuôi lợn an toàn sinh học (ATSH) và đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Quy trình chăn nuôi này với máy móc hỗ trợ 70% nên lợn lớn nhanh, ít dịch bệnh, bảo đảm được các tiêu chí vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.
Các thành viên đều xây dựng chuồng nuôi kiên cố, sử dụng đệm lót sinh học đảm bảo kỹ thuật, đồng thời trang bị hệ thống điều hòa không khí, máy nghe nhạc, quạt thông gió, quạt khử mùi, bể tắm, hệ thống nước uống tự động, hầm biogas xử lý chất thải 1.500 khối, hệ thống báo nhiệt độ để tiện điều chỉnh theo thời tiết được bố trí rất khoa học. Tất cả đều được xây dựng khép kín nên vận hành rất thuận lợi, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc HTX cho biết, mặc dù nằm trong vùng dịch tả lợn châu Phi, thế nhưng hầu hết lợn HTX khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Trong quý I/2020, sản lượng xuất chuồng bình quân của HTX vẫn đạt chỉ tiêu đề ra.
So với các hộ nuôi trong khu vực, việc nuôi theo hướng ATSH còn tiết kiệm chi phí lao động hơn 70%, giảm 10-20% thức ăn. Đặc biệt, toàn bộ phân, nước tiểu của lợn được tận dụng làm làm chất đốt và phân hữu cơ nên đảm bảo vệ sinh môi trường, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, mô hình chăn nuôi lợn ATSH học kết hợp hệ thống biogas của HTX An Phát đang phát huy hiệu quả bảo vệ môi trường rất tốt. Với quy trình này, phân và nước tiểu của lợn được tiêu hủy hầu như gần hết, số ít còn lại sẽ được đưa vào hầm biogas xử lý tiếp nên nhiều người gọi đây là phương pháp chăn nuôi không chất thải.
Hiệu quả từ liên kết
Để các thành viên nâng cao ý thức sản xuất, ngoài sự đi đầu của ban giám đốc, HTX còn làm tốt công tác quản lý. Theo đó, trước khi vào HTX, thành viên phải có các cam kết rõ ràng. HTX sẽ đại diện pháp lý ký kết hợp đồng kinh tế cung ứng sản phẩm sạch cho các đối tác và cũng là đơn vị cung ứng các vật tư đầu vào với giá thành phù hợp cho thành viên. Nếu thành viên không đảm bảo quy trình sản xuất sẽ không được hoạt động trong chuỗi giá trị đồng thời phải bồi thường hợp đồng.
Việc mở của hàng giúp hoàn thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ |
Trong quá trình sản xuất, thành viên nào gặp khó khăn như thiếu cám, vắc xin, men sinh học… thì HTX trích quỹ chung cho vay lại để duy trì sản xuất ổn định. Vì thế tất cả mọi người luôn tuân thủ các nguyên tắc, HTX luôn nhận được sự đồng thuận từ trên xuống dưới.
Không dừng lại ở đó, HTX còn nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhanh nhạy khi mở thêm cửa hàng cung ứng thịt lợn trên địa bàn. Việc ra đời cửa hàng nằm trong mục tiêu thực hiện chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, giết mổ, cung ứng đến tận tay người tiêu dùng không qua khâu trung gian của HTX.
Cửa hàng cung ứng thịt lợn có giấy phép kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, các dụng cụ bán hàng đạt chuẩn... nên tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Từ khi đi vào hoạt động, cửa hàng thu hút các doanh nghiệp tham gia phân khúc bán lẻ, chế biến, phân phối lợn an toàn tìm đến. Đến nay, HTX đã ký được những hợp đồng làm ăn lâu dài với các đối tác.
Nhờ tạo được sợi dây liên kết trong sản xuất, các thành viên vừa giám sát lẫn nhau, hỗ trợ nhau trong khoa học kỹ thuật, có đầu ra ổn định, nên đời sống kinh tế của mọi người không ngừng tăng lên. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí thì bình quân mỗi thành viên cũng thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng.
Huyền Trang