Việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho HTX, bao gồm cả năng lực của người quản lý và đội ngũ kỹ thuật, kế toán được Ban Thường vụ, Thường trực Liên minh HTX Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là nhu cầu rất bức thiết. Công tác đào tạo không thiên về lý thuyết mà phải gắn với những kỹ năng về quản lý, quản trị và kinh doanh.
Muốn HTX thành công cần có cán bộ giỏi
Để hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX, những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam đã tăng kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong HĐQT, ban giám đốc, kế toán trưởng, cán bộ kiểm soát và cán bộ nghiệp vụ của HTX.
Lớp tập huấn Lập kế hoạch kinh doanh gắn với chuỗi giá trị và quản trị tài chính trong HTX tổ chức tại Hà Nam tháng 5/2020 (Ảnh: Phạm Duy) |
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết, năm nào Liên minh HTX Việt Nam cũng dành một khoản kinh phí nhất định cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các HTX. Riêng giai đoạn từ 2021 - 2025, VCA đã ban hành chương trình khung về bồi dưỡng cán bộ trong HĐQT, ban giám đốc, kế toán trưởng, cán bộ kiểm soát và cán bộ nghiệp vụ của HTX. Giai đoạn này dự kiến tổ chức 335 lớp bồi dưỡng với tổng số hơn 18.000 lượt học viên là cán bộ chủ chốt HTX; đào tạo hệ cao đẳng là 2.850 người; trung cấp là 2.350 người và đào tạo nghề cho 817 học viên là người khuyết tật.
“Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Muốn phát triển bền vững, bản thân mỗi cán bộ, cử nhân trẻ về làm việc cho các HTX cần xác định là làm việc cho chính mình, phục vụ lợi ích của chính mình mới không lung lay ý chí, không làm suy giảm khát vọng. Ngoài ra, bản thân mỗi HTX cần chủ động mở rộng liên kết, tìm kiếm, đón mời cử nhân trẻ để khai thác các ý tưởng mới, khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển HTX bền vững”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh (thứ hai từ trái sang) khẳng định, cán bộ HTX trẻ, có trình độ, năng động sẽ giúp các sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị (Ảnh: Phạm Duy) |
Bổ sung thêm về công tác đào tạo cán bộ quản trị, cán bộ chuyên trách của các HTX, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) nêu định hướng: “Đào tạo cán bộ cho HTX tốt nhất là đào tạo từ nguồn là con em của nông dân cử ra hoặc người được cộng đồng tôn vinh. Hiện nay, nhiều kỹ sư và người được đào tạo bài bản chưa chắc làm được ở HTX vì họ không có uy tín với người dân nên nói dân không nghe”.
Tăng cường công tác đào tạo
Năm 2010, HTX Thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn được thành lập với 12 thành viên, số vốn điều lệ ban đầu chỉ có 60 triệu đồng. HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Vốn ít, hoạt động sản xuất của các thành viên HTX chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế thấp. Thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn, đặc biệt thông qua lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do giảng viên của Trường Bồi dưỡng cán bộ (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) truyền đạt đã gợi mở cho HTX có thêm những hướng phát triển mới. Điển hình như việc lập phương án sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.
Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX cho biết, sau khi tham dự tập huấn, HTX đã áp dụng vào thực tế và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị cụ thể. Một mặt HTX chuyển đổi từ nuôi cá ở hồ sang nuôi cá lồng, mặt khác tìm mối liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.
“Khi đã có liên kết theo chuỗi, HTX yên tâm thực hiện khâu sản xuất, các khâu giống, thức ăn đầu vào hay tiêu thụ sản phẩm đã có doanh nghiệp, HTX khác lo. Yên tâm sản xuất, hiệu quả kinh tế ngày một rõ nét. Từ chỗ thu không đủ bù chi năm 2010, đến nay doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt gần 6 triệu đồng/người/tháng”, ông Chức chia sẻ.
Cán bộ quản trị HTX trẻ, có trình độ, năng động giúp các HTX phát triển nhanh và bền vững (Ảnh: Phạm Duy) |
Theo ông Lê Minh Tân, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ Liên minh HTX Việt Nam, thống kê của đơn vị cho thấy, cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đã qua đào tạo từ sơ cấp đến đại học đạt tỷ lệ 65%, trong đó trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 18%. Ngoại trừ chủ tịch HĐQT và giám đốc các HTX trẻ, mới thành lập thì phần lớn cán bộ lãnh đạo HTX đều đã hết tuổi lao động. Do trình độ thấp, độ tuổi cao nên đội ngũ này thiếu nhạy bén, khó tổ chức xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả cho HTX, khó nắm bắt kịp cơ chế thị trường… Mặc dù thiếu nguồn nhân lực chất lượng, nhưng do chế độ đãi ngộ thấp, điều kiện làm việc khó khăn, nhiều HTX khó thu hút nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao.
Để đáp ứng nhu cầu thực tế đào tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cán bộ quản lý HTX, năm 2019, Trường Bồi dưỡng cán bộ Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức được 85 lớp với tổng số 4.194 lượt học viên, trong đó: 77 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ HTX với 3.907 lượt học viên; 8 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, viên chức thuộc hệ thống Liên minh HTX Việt Nam với 287 lượt học viên.
“Riêng trong năm 2020 này và giai đoạn 2021 - 2025, nhà trường đã cơ bản nâng chất lượng của cán bộ, giảng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, qua đó đảm bảo đáp ứng yêu cầu giảng dạy truyền thụ kiến thức cả về lý thuyết lẫn thực tế trong công tác quản trị HTX; kế toán HTX; lập báo cáo tài chính; xây dựng chuỗi giá trị; lập kế hoạch kinh doanh kết nối theo chuỗi giá trị; quản trị tài chính cho cán bộ quản trị và người làm chuyên môn của các HTX”, ông Tân nhấn mạnh.
Phạm Duy