Với mong muốn thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị Nguyễn Thị Thùy, sinh 1992, ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, đã khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng khi đến với vùng đất Cao nguyên đá huyện Quản Bạ (Hà Giang). Như một cơ duyên và nỗ lực vươn lên, nữ giám đốc trẻ đã thành lập HTX Đồng Nhất để góp phần tạo nên nguồn lực cho sự phát triển của địa phương.
Những năm gần đây, huyện Quản Bạ đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, coi đây là một mũi nhọn phát triển kinh tế. Trong đó, trọng tâm là phát huy hiệu quả liên kết trồng, chế biến dược liệu; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp triển khai trồng dược liệu trên địa bàn; vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giao đất, cho thuê đất, liên kết sản xuất.
Khởi nghiệp trên vùng đất khó
Nhận thấy kinh tế nông nghiệp phát triển nhưng chưa có dịch vụ cung ứng cho người dân, chị Nguyễn Thị Thùy đã quyết định di cư lên vùng đất khó để khởi nghiệp bằng một lĩnh vực mới.
Nguyễn Thị Thùy sinh ra trong một gia đình thuần nông tại tổ 9, phường Quang Trung (Tp.Hà Giang). Sau khi tốt nghiệp lớp Kế toán của Trường Cao đẳng Nghề của tỉnh, chị từng làm kế toán cho một vài công ty và làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Đường (Tp.Hà Giang).
Kết hôn khá sớm với người thanh niên gần nhà ở tuổi 21, câu chuyện lập nghiệp của vợ chồng Thùy bắt đầu từ đó. Chồng chị làm nghề lái xe chuyên chở hàng trên vùng cao, rồi ngẫu nhiên chọn mảnh đất Lùng Tám để hai vợ chồng khởi nghiệp.
Cuối năm 2015, vợ chồng Thùy đưa con nhỏ khi ấy mới được 14 tháng lên sinh sống, làm nhà và mở quán bán hàng tạp hóa ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám với tiền vốn ban đầu khoảng 100 triệu đồng do vay mượn người thân.
Thời gian đầu mới lên vùng cao, vợ chồng Thùy gặp không ít khó khăn do không biết tiếng Mông, trong khi bà con xung quanh chủ yếu toàn người Mông. “Lạ nước lạ cái”, cũng chưa quen khách, nên cửa hàng của chị bán được ít hàng. Nhưng bằng sự kiên nhẫn, nỗ lực bền bỉ, sau 2 năm buôn bán, kinh doanh hàng tạp hóa, bánh kẹo, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Đến nay, cửa hàng kinh doanh của chị đã phát triển khá thành công, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Trong quá trình định cư tại đây, Thùy nhận thấy đồng bào ở đây mỗi khi vào mùa vụ lại phải đi xe máy hàng chục cây số đường đèo núi để mua phân bón với giá cao, chất lượng khó bảo đảm.
Từ đó, Thùy nhen nhóm ý định thành lập HTX cung ứng phân bón, giống cho đồng bào. Qua tìm hiểu, biết huyện có chủ trương khuyến khích nhân dân thành lập HTX và được sự tư vấn của chính quyền địa phương, chị vận động người dân trong xã thành lập HTX, lấy tên là Đồng Nhất.
Ra mắt vào tháng 11/2016, 10 thành viên của HTX cùng nhau góp số vốn điều lệ 500 triệu đồng để kinh doanh các ngành nghề chủ yếu như: Thu mua nông sản cho người dân địa phương, cung ứng phân bón, giống, thức ăn chăn nuôi, bách hóa tổng hợp bán nhu yếu phẩm sinh hoạt, vật liệu xây dựng cùng dịch vụ vận tải. Kể từ khi ra mắt đến nay, đồng bào đều tin tưởng vào sản phẩm và các thành viên yên tâm tham gia HTX.
Cửa hàng tạp hóa của gia đình chị Thùy cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm |
Đầu mối cung ứng
Là người đứng đầu HTX, chị Thùy luôn trăn trở làm sao tăng doanh thu của HTX, giúp các thành viên có thu nhập, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Chị đã đứng ra mời các Trưởng thôn làm đầu mối cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp ở các thôn và cùng tham gia HTX.
Mỗi khi đến mùa vụ, người dân cần mua phân bón sẽ tới liên hệ đặt hàng với các Trưởng thôn, HTX sẽ hỗ trợ vận chuyển đến tận nơi khi người dân có nhu cầu. Bên cạnh đó, HTX còn thu mua nông sản của người dân như: Lúa, ngô, lạc về bán. Ban đầu, mặc dù gặp phải không ít khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng với sự quyết tâm, năng động của mình, Thùy vẫn luôn điều hành tốt mọi hoạt động của HTX.
Hiện tại, điều kiện vật chất của HTX vẫn có hạn chế để mở rộng và đa dạng hóa dịch vụ cung ứng cho người dân. Vì vậy, thời gian tới, chị Thùy có nguyện vọng muốn vay vốn để mở thêm hai nhà kho, một xưởng chế biến nông sản, một nhà trưng bày sản phẩm địa phương và cửa hàng bán đồ ăn cho khách du lịch.
Chị Nguyễn Kim Liễu - Bí thư Đoàn xã Lùng Tám, nhận xét: Có được những thanh niên điển hình, nhất là phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp như chị Thùy là rất đáng quý. Việc này góp phần cổ vũ tinh thần cho nhiều bạn trẻ dân tộc thiểu số tại địa phương muốn phát triển kinh tế, góp phần cùng địa phương trong công cuộc xóa đói; giảm nghèo.
Người dân tham gia HTX cũng sẽ được lợi nhiều hơn. Thành lập mô hình kinh tế hợp tác do người trẻ như chị Thùy đứng đầu cũng là xu hướng đang được Đảng, Nhà nước rất khuyến khích.
Hoàng Lê