Để phát triển ý tưởng khởi nghiệp từ cây sả, chị Đinh Thị Huệ đã thành lập HTX Dịch vụ tổng hợp An Sinh (thôn Chợ Đập, xã An Bình, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), tập hợp các hội viên phụ nữ cùng trồng sả nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.
Được thành lập từ tháng 7/2017, HTX An Sinh đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, sản xuất theo hướng hàng hóa và khép kín đem lại giá trị kinh tế cao cho người lao động. Qua tìm hiểu thị trường cũng như tham khảo đất, HTX đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng. Cây sả được lựa chọn trồng trên diện tích 5 ha.
Quy trình khép kín
HTX đã phối hợp với công ty An Lạc Hoa sản xuất thử nghiệm năm đầu tiên. Kết quả cho thấy chi phí trồng cây sả tương đối thấp. Công chăm sóc ít, thời gian thu hoạch kéo dài, trồng một lần có thể thu 4 - 5 năm. Mỗi năm thu 4 lứa, mỗi lứa thu trên 1 tấn nguyên liệu. Bình quân 1 sào trồng sả chưng cất được 4 lít tinh dầu.
So với trồng lúa, ngô (lợi nhuận trung bình 40 triệu đồng/ha/năm) thì trồng sả có giá trị trung bình gấp gần 3 lần. Theo các thành viên HTX, thu nhập từ tinh dầu trên 1 sào trồng sả đạt 12 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi khoảng 8 triệu đồng, tương đương 1,3 tấn lúa.
HTX dự tính nếu đủ điều kiện phát triển cơ sở vật chất cũng như nguồn nguyên liệu để chưng cất thì lợi nhuận từ lá và củ sả trồng trên 1 ha thu được 100 - 130 triệu đồng. Đặc biệt, trồng sả với quy trình khép kín như: Trồng sả - thu tinh dầu - sản xuất phân bón vi sinh, hoặc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ sẽ đem lại thu nhập cao.
“Trồng sả không mất nhiều công chăm sóc, giống dễ kiếm, phù hợp với nhiều loại đất, yêu thích mùi tinh dầu sả... đó là những lý do để chị hiện thực hóa ý tưởng trồng sả bằng việc thành lập HTX. Hiện, HTX không chỉ sản xuất tinh dầu mà còn đa dạng hóa sản phẩm bằng việc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ”, Giám đốc HTX Đinh Thị Huệ cho biết.
Trước khi bắt tay vào khởi nghiệp từ cây sả, chị Đinh Thị Huệ đã khảo sát thị trường và nhận thấy vấn đề đầu ra cho sản phẩm tinh dầu sả rất đa dạng.
Với nhiều công dụng như: Có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm cực mạnh nên sử dụng thường xuyên trong nhà sẽ giúp không khí nơi ở luôn sạch sẽ, giảm khả năng bị bệnh về đường hô hấp lại có mùi thơm dễ chịu, có thể sản xuất mỹ phẩm, xà phòng... nên sản phẩm tinh dầu sả được nhiều người ưa chuộng.
Thu hoạch sả để sản xuất tinh dầu |
Đồng hành của chính quyền
Trong dịp tham gia trưng bày sản phẩm tại “Phiên chợ truyền thông - câu chuyện khởi nghiệp” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình), sản phẩm tinh dầu sả của HTX được nhiều người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn. Một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn lưu tâm đã đặt hàng sử dụng sản phẩm tinh dầu của HTX.
Do mới thành lập nên HTX còn nhiều hạn chế về kỹ năng quản lý, tiếp cận thị trường. Trước mắt, diện tích đất trồng vẫn còn manh mún, không đồng đều, mặt bằng thu gom nguyên liệu và sản xuất khép kín chưa có.
Theo các thành viên tham gia HTX, đây là mô hình mới nên ban đầu trồng cũng gặp khó khăn trong khâu trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, chị Huệ và các chị em trong HTX vẫn tự tin, nỗ lực tiếp tục học hỏi, sáng tạo để đưa sản phẩm tiếp cận và khẳng định vị trí trong thị trường tiêu thụ.
Để có giải pháp hỗ trợ HTX khởi nghiệp, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cho biết sẽ tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết thực.
Trong đó cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho HTX nông nghiệp vay vốn; cơ chế, chính sách để các HTX được hỗ trợ về đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX nông nghiệp.
Liên minh HTX tỉnh đề nghị UBND tỉnh ban hành quy định về trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ kinh phí cho các HTX. Đồng thời, bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nguồn hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn sự nghiệp của các ngành, các cấp để tổ chức triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp.
Hoàng Lê