Theo báo cáo sơ bộ của 54 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), doanh thu bình quân của một HTX khoảng 10,33 tỷ đồng/ năm. Trong đó, HTX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, Tp.HCM) có doanh thu hàng năm cao nhất, khoảng 123 tỷ đồng.
Một số mô hình điển hình khác như mô hình nuôi cá nước ngọt của HTX nuôi trồng thủy sản Hòa Phong (Hưng Yên) ứng dụng công nghệ nuôi thâm canh đã cho sản lượng tăng gấp ba lần so với nuôi thông thường, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt tới 50%. HTX Hoa lan Huyền Thoại (Tp.HCM) áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ tự động hóa đã kiểm soát được thời điểm thu hoạch hoa lan xuất khẩu, thu lãi 1,3 tỷ đồng/năm.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam |
Bước đột phá cho phát triển bền vững
Theo PGs.Ts. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển rau, hoa, quả ôn đới và nhiệt đới, tuy nhiên thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân là vì thiếu các bộ giống tốt, công nghệ áp dụng chưa nhiều; sản xuất và phân phối sản phẩm còn nhiều hạn chế; sự hợp tác giữa các nhà khoa học ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học nông nghiệp chưa được phát huy.
“Để khắc phục các bất cập đó, rất cần ứng dụng 4.0 trong sản xuất rau, hoa, quả”, Ts. Đặng Văn Đông nhấn mạnh.
Thực tế chứng minh, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong lĩnh vực trồng trọt tại Isarel đã có năng suất tăng vượt trội. Chỉ cần một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh có kết nối mạng, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển tự động từ xa đã giúp nông dân biết vườn cây nào cần bón phân gì, số lượng bao nhiêu, diện tích nào cần tưới nước, tưới bao nhiêu là vừa.
Ở Nhật Bản, robot làm thay các công việc của người nông dân như lựa chọn và thu hoạch nông sản; tiếp xúc với thuốc trừ sâu hay hóa chất. Nhằm giúp nông dân có thể tiếp thị sản phẩm một cách chủ động, Nhật Bản cũng xây dựng hệ thống điều hành thương mại nông sản điện tử giúp cho việc phân phối nông sản, giám sát và phân tích thị trường được nhanh chóng, chính xác và khoa học.
Trong khi đó ở nước ta, sự ra đời của sàn thương mại điện tử gcaeco.vn đầu tháng 11/2018 được coi là “bảo bối” nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của các HTX. Sàn thương mại điện tử này sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng Blockchain, đã và đang trở thành kênh bán hàng miễn phí cho hàng chục triệu người nông dân, HTX, là lời giải cho bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của nông nghiệp Việt Nam bấy lâu nay.
Lựa chọn công nghệ phù hợp
Tham luận tại hội thảo “Nông nghiệp thông minh - Cơ hội và thách thức trong chuyển giao công nghệ tại Việt Nam” do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN tổ chức chiều 21/11, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị cho biết: Việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh tại các HTX là xu hướng tất yếu. Đây là yêu cầu cơ bản tạo ra bước đột phá để phát triển một cách bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng về các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu”.
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam về phát triển nông nghiệp thông minh trong khu vực HTX giai đoạn 2018 - 2020, trong hai năm 2016 - 2017, gần 700 mô hình do Liên minh HTX các tỉnh, thành phố và HTX trực tiếp xây dựng. Hơn 50% trong tổng số các mô hình hoạt động hiệu quả; năng suất lao động của các thành viên HTX tăng 5 - 10%, giá bán sản phẩm tăng 20 -25 %, thu nhập của thành viên tăng 30%.
Các lĩnh vực sản xuất của HTX ứng dụng CNC phổ biến là sản xuất giống cây trồng, rau, trái cây, hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.
Loại hình CNC ứng dụng trong các HTX chủ yếu là áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản (chiếm 81,87%), còn lại là các loại hình áp dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật tư trong nông nghiệp. Đa số các tỉnh đều đã xuất hiện các mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng CNC hiệu quả.
Mục tiêu của Liên minh HTX Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 là xây dựng 250 - 300 mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị do Liên minh HTX Việt Nam trực tiếp chỉ đạo.
“HTX phải lựa chọn công nghệ phù hợp, áp dụng đối với mỗi sản phẩm phù hợp, với điều kiện tự nhiên, xã hội mỗi vùng, miền. Chỉ có như vậy mới đem lại hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế của khu vực kinh tế hợp tác, HTX trong cơ chế thị trường. Cùng với đó, các THT, HTX, Liên hiệp HTX cần đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận các công nghệ mới theo xu hướng thời đại, phục vụ nông nghiệp thông minh 4.0”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị nhấn mạnh.
Hà Xuyên