Tại Hội thảo "Tiếp cận nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam: Vấn đề và kiến nghị chính sách" mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam vẫn dừng ở khái niệm trừu tượng. Nhiều doanh nghiệp (DN), nông dân vẫn không hiểu, không quan tâm.
Trong khi đó, so với nhiều nước trong khu vực, cụ thể như Thái Lan đã có chiến lược lần thứ hai về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
Loay hoay vì tự phát
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ Thái Lan ban hành chính sách đổi mới công nghệ định hướng nông nghiệp và thực phẩm theo nông nghiệp 4.0, có chương trình hành động cho phát triển từng vùng với các sản phẩm cụ thể cho từng lĩnh vực.
Hay tại Israel, tất cả trang trại, nhà lưới đều trang bị hệ thống điều khiển kỹ thuật số với cảm biến và điều khiển tự động. Đài Loan cũng xây dựng và triển khai chương trình nông nghiệp 4.0 quy định 10 nhóm ngành, lĩnh vực được ưu tiên lựa chọn để ứng dụng công nghệ 4.0 như phong lan, cây giống, nấm, gạo…
Để khuyến khích ứng dụng công nghệ thông minh phát triển nông nghiệp, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, tập trung vào thương hiệu, quảng bá thương hiệu, Đài Loan còn ưu tiên tập trung vào logistics trong nông nghiệp.
Còn tại Việt Nam, đánh giá về thực trạng tiếp cận nông nghiệp 4.0, bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Ban Thể chế kinh tế, CIEM, đánh giá sự tham gia của DN, HTX, người dân ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông minh trong các khâu, công đoạn khác nhau của ngành nông nghiệp chưa nhiều, chỉ tập trung chủ yếu vào một số khâu, công đoạn nhưng manh mún, tự phát.
Nguyên nhân là do khoảng cách giữa hiện trạng và đòi hỏi của nông nghiệp 4.0 là khá lớn. Trình độ công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của Việt Nam còn lạc hậu, dựa vào kinh nghiệm là chính. Ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, máy móc còn ít.
Hiện nay, phần lớn nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều thu hoạch, chế biến theo phương pháp thủ công, chưa áp dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Tổn thất sau thu hoạch cao hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á: rau quả là 32%, thịt: 14%, thủy sản: 12%.
Bà Luyến nhận xét: "Công nghệ sản xuất nông nghiệp rất đơn giản, thô sơ, lạc hậu, chủ yếu dựa vào thời tiết và kinh nghiệm truyền từ đời này qua đời khác".
Bên cạnh đó, khó ứng dụng nông nghiệp 4.0 là do tổ chức sản xuất hiện nay vẫn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết giữa các chủ thể. Trong khi đó, nông nghiệp 4.0 đòi hỏi diện tích đủ lớn, thời hạn sử dụng đủ dài để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa.
Nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam vẫn dừng ở khái niệm trừu tượng |
Liên kết DN, HTX với nông dân
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1/7/2016, số hộ sử dụng dưới 0,2ha đất nông nghiệp chiếm 36,1%, hộ sử dụng từ 5ha trở lên chỉ chiếm gần 2,3%. Hay đi vào từng ngành, hộ trồng cây hằng năm diện tích dưới 0,2ha chiếm 44,6%, hộ trồng lúa dưới 0,2ha chiếm 55,7%, hộ nuôi lợn dưới 6 con chiếm 67,5%…
Đồng thời, ứng dụng nông nghiệp 4.0 đòi hỏi chi phí ban đầu lớn, trung bình để đầu tư được 1ha nhà lưới sẽ tốn chi phí hơn 2 tỷ đồng… Trong khi đó, năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp còn hạn chế, DN chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, khả năng hiện đại hóa các thiết bị phục vụ nông nghiệp 4.0 còn khó khăn.
Hơn nữa, hiện nay, chỗ nào cũng nói tới công nghệ 4.0 nhưng một số DN lại rơi vào tình cảnh không biết mua các công nghệ hiện đại ở đâu.
Ông Hiếu kể lại câu chuyện, vừa qua khi biết tới một loại công nghệ có thể giúp bảo quản hoa quả trên 6 tháng. Một DN nông nghiệp đã mất cả năm trời đi hết viện này đến viện kia, cuối cùng mới có một cán bộ biết để tư vấn và hỗ trợ DN về loại công nghệ đó và địa điểm nên mua.
Nhiều DN cũng cho biết, việc đầu tư công nghệ sẽ tốn một khoản chi phí rất lớn, song đầu ra của nhiều sản phẩm nông nghiệp hiện rất bấp bênh. Đầu tư hàng tỷ đồng mà không bán được sản phẩm, DN và nông dân sẽ phá sản.
Bởi vậy, để phát triển nông nghiệp 4.0, bà Luyến khuyến nghị lấy DN làm trung tâm, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hình thành các chuỗi giá trị nông sản bền vững, an toàn và cạnh tranh, trong đó thúc đẩy liên kết DN, HTX với nông dân, chuyển giao công nghệ cho nông dân.
Đồng thời, nghiên cứu tích hợp các xu hướng và thành tựu của công nghiệp 4.0 đặc thù cho nông nghiệp vào nội dung chương trình giáo dục, đào tạo và hướng nghiệp để có lực lượng lao động có khả năng tiếp cận, phát triển và ứng dụng được các thành tựu nông nghiệp 4.0.
Đăc biệt, cần nghiên cứu, sớm xác lập quyền tài sản (nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiêu, hệ thống cảm biến IoT…) trên đất nông nghiệp để DN có cơ sở vay vốn, mở rộng và nới các tiêu chuẩn để các cơ sở sản xuất lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.
Cùng với đó, ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cho rằng phải kết nối được các DN, nhà đầu tư với nông nghiệp bằng cách mở rộng hạn điền, cho phép tích tụ đất đai nhiều hơn, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách thông thoáng, linh hoạt hơn, khuyến khích thành lập các DN nông nghiệp, nghiên cứu thêm các mô hình liên kết khác trong nông nghiệp ngoài việc tổ chức lại các mô hình HTX, tổ hợp tác như hiện hành để người nông dân tự liên kết, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ứng dụng nông nghiệp 4.0 không chỉ nói tới trách nhiệm của DN, mà Nhà nước có vai trò rất lớn như cung cấp những trang web giới thiệu các loại công nghệ mới nhất trên thế giới để DN, người nông dân tìm hiểu. "Hiện nay, tìm một công nghệ mà tìm hoài không thấy, làm sao mà ứng dụng được?", ông Doanh chia sẻ.
Hơn nữa, làm nông nghiệp 4.0 nên xem sản phẩm nào là mũi nhọn để làm trước bằng cách lập dự án kiểu mẫu về nông nghiệp 4.0 ở từng vùng. Nếu xây dựng được các điển hình thành công như vậy, người nông dân sẽ hưởng ứng vì nhìn rõ lợi ích.
Ts. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, thẳng thắn cho rằng: Ở Việt Nam đâu đâu cũng nói về công nghiệp 4.0, "ăn 4.0, ngủ 4.0, có mỗi làm chưa 4.0". Những cái nào có điều kiện, có thể làm được hãy triển khai, chứ đừng làm ào ào rồi không có kết quả.
Lê Thúy
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM Chúng ta không thể dùng công cụ quản lý 1.0 để phát triển nông nghiệp 4.0. Cách thức quản lý cần phải thay đổi theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích DN, hộ nông dân, HTX tiếp cận được với công nghệ mới, đó phải là những chính sách cụ thể được hiện thực hóa. Ông Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) Cứ nói tới ứng dụng nông nghiệp 4.0 mà người nông dân, HTX, DN vẫn gặp nhiều khó khăn như đất đai manh mún, khó vay vốn, đầu ra bấp bênh thì ai dám làm. Những khó khăn này, Nhà nước hoàn toàn có thể tháo gỡ được. Ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Cần phải có một tổ chức, có thể là Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển nông nghiệp bền vững, có đủ thẩm quyền để chỉ đạo, tổ chức triển khai các chính sách nói trên. Đồng thời hình thành một nhóm nghiên cứu chuyên sâu gồm đại diện các bộ ngành và đại diện các hiệp hội DN, ngành hàng do Bộ NN&PTNT chủ trì để xây dựng Nghị định của Chính phủ, bao hàm đầy đủ cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. |