Sau 5 năm thành lập, HTX Chăn nuôi đại gia súc bản Púng Giắt (Mường Mươn, Mường Chà, Lai Châu) đang trở thành một trong những hạt nhân trong tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm, bảo đảm an toàn lao động, góp phần tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp an toàn tại địa phương.
HTX Púng Giắt được thành lập từ năm 2014, xuất phát điểm với 12 hộ thành viên, số lượng trâu, bò đạt gần 50 con. Sau hơn một năm hoạt động, với những hiệu quả thiết thực, số lượng thành viên HTX tăng lên con số 24 hộ, tổng đàn gia súc đạt gần 200 con.
Bên cạnh đem lại thu nhập cao cho các hộ thành viên, HTX đang tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, bảo đảm tốt các quy định về an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh môi trường.
Chuyển sang chăn nuôi tập trung
Ông Lò Văn Chơ - Giám đốc HTX, cho biết: “HTX được vận hành theo hình thức hộ thành viên góp vốn bằng chính số trâu, bò của gia đình. Đàn gia súc được chăn thả tập trung trên cùng một khu vực, rộng 4 - 5 ha, được xây tường bao quanh để trông coi, bảo vệ và chăm sóc”.
Trong quá trình chăm sóc, HTX phân công từng nhóm thành viên luân phiên đi kiểm tra đàn gia súc theo tuần, đồng thời, tổ chức tiêm phòng theo định kỳ. Khi xuất bán, các thành viên phải báo lại với HTX để kiểm soát về số lượng, chất lượng.
Sự ra đời của HTX không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên, người lao động, tạo ra một “sân chơi” chung cho các hộ chăn nuôi trao đổi kinh nghiệm, cùng hợp tác làm ăn, mà còn thay đổi hoàn toàn tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn.
Dưới sự dẫn dắt của HTX, các hộ chăn nuôi dần chuyển từ lối làm ăn cũ, tự cung tự cấp, sang phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn, chú trọng khoa học - kỹ thuật, ATLĐ trong quá trình sản xuất, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường sống.
Điển hình như trong xây dựng chuồng trại, khu chăn nuôi của HTX được kiên cố hóa, nằm cách xa khu dân cư, trục đường giao thông chính, có diện tích nước mặt lớn, nguồn nước sạch bảo đảm nhu cầu chăn nuôi và có khu tập trung, xử lý chất thải theo đúng quy định.
Các dãy chuồng nuôi được bố trí khoa học về khoảng cách, kích thước, hướng. Nền chuồng bảo đảm không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước, có độ dốc 3 -5%. Đặc biệt, HTX có khu chuồng biệt lập để cách ly vật nuôi bị bệnh, tránh tình trạng lây lan không thể kiểm soát.
![]() |
HTX đang cho thấy hiệu quả cao từ mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung |
Phát triển theo hướng an toàn
Không chỉ về chuồng trại, yêu cầu về con giống, thức ăn và nước uống được HTX Pùng Giắt đặc biệt quan tâm. Trâu, bò mua về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Trước khi nhập đàn, vật nuôi mới phải được nuôi cách ly theo đúng quy định.
Bên cạnh nguồn thức ăn tự nhiên (cỏ, lá…), thức ăn từ cám ngô, cám gạo (thường dùng để vỗ béo) phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Không sử dụng thức ăn thừa của đàn trâu, bò đã xuất chuồng, thức ăn của vật nuôi bị ốm. Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn chăn nuôi được khử trùng định kỳ.
Sở hữu đàn trâu gần 20 con, anh Giàng A Đông (xã Mường Mươn) chia sẻ: “Chăn nuôi tập trung theo HTX giúp đàn gia súc phát triển đồng đều, ít bị dịch bệnh và nhân đàn nhanh hơn so với việc hộ nào hộ ấy tự chăn thả như trước”.
Phát triển đàn trâu theo theo hình thức chăn thả tự nhiên, bình quân mỗi năm, anh Đông xuất bán 3 - 5 con trâu trưởng thành, trừ các khoản chi phí, anh thu về trên dưới 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn làm dịch vụ cho thuê trâu phục vụ kéo xe, với giá 5 - 6 triệu đồng/con/năm.
Bên cạnh chăn thả tự nhiên, một số thành viên HTX phát triển mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo. Nuôi nhốt vỗ béo mỗi năm có thể nuôi tối đa 3 lứa, nguồn vốn được quay vòng liên tục nên hiệu quả mang lại cao. Mỗi con trâu sau khoảng 3 đến 4 tháng vỗ béo là có thể xuất bán, trừ chi phí, lợi nhuận có thể đạt 1 triệu đồng/con.
Đang có những hiệu quả tích cực, tuy nhiên, việc hoạt động trên địa bàn vùng cao khiến HTX Pùng Giắt còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong công tác quản lý, đầu tư mở rộng quy mô, phát triển chăn nuôi theo chuỗi.
Ông Lò Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Mường Mươn, cho biết: “Với những thành công đang có, xã đang tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ HTX đi học tập kinh nghiệm quản lý, vận dụng nguồn vốn, hướng tới phát triển đàn gia súc theo hướng tập trung, mang lại hiệu quả cao và bền vững cho thành viên, người dân trên địa bàn”.
Sáu Ngạn