Hùng Pèng là bản vùng biên được thành lập năm 2008, với 100% đồng bào là người Dao. Được hưởng thụ từ chương trình 30a của Chính phủ, Hùng Pèng được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng, trong đó, có hơn 300 triệu đồng dành để phát triển đàn bò và đàn dê.
Đổi mới sản xuất
Hai đàn gia súc gần 100 con được giao cho HTX Đoàn Kết quản lý, trực tiếp phân chia, “cầm tay chỉ việc” cho các hộ trong bản thay nhau chăn thả, có chấm công, tạo ra những thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, mang lại hiệu quả cao.
HTX Đoàn Kết là đơn vị do bộ đội biên phòng Lai Châu xây dựng. Hiện HTX đang sản xuất trên diện tích hơn 300 ha, với 14 chiến sĩ thường xuyên túc trực, làm nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ người dân trong hoạt động chăn nuôi, trồng trọt và bảo vệ hơn 13 km đường biên giới.
Anh Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc HTX, cho biết: “Năm 2008, bản Hùng Pèng được thành lập với 49 hộ dân người Dao, tất cả đều thuộc diện nghèo. Để từng bước giúp dân thoát nghèo, năm 2009, HTX Đoàn Kết được thành lập, chủ trương kết nạp các gia đình trong bản thành thành viên”.
Sau khi được thành lập, từ nguồn vốn ban đầu do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu và chính quyền địa phương hỗ trợ, HTX bắt tay xây dựng khu trang trại, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, vừa phát huy hiệu quả kinh tế, vừa bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) cho người dân.
Dưới sự quản lý của HTX, tập quán chăn thả tự do, gây mất ATLĐ, ô nhiễm môi trường của người dân trong bản được loại bỏ hoàn toàn. Các hộ chăn nuôi được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, mua con giống chất lượng, tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ tổ chức sản xuất khoa học, từ 31 con bò, 35 con dê sinh sản thời điểm đầu, đến nay, HTX đã phát triển đàn bò lên 60 con, đàn dê 120 con. Số tiền thu được từ việc bán gia súc của HTX được chia đều cho các gia đình, góp phần cải thiện cuộc sống và xây dựng các công trình cộng đồng như nhà văn hóa, đường giao thông nội bản…
Đàn dê của HTX Đoàn Kết |
Hiệu quả bền vững
Anh Lý Séo Mìn - hộ thành viên liên kết của HTX Đoàn Kết, chia sẻ: “Người dân Hùng Pèng có được ngày hôm nay là nhờ bộ đội biên phòng ở HTX. Từ khi thành lập, HTX dạy cách khai hoang đất, phát triển sản xuất tập trung, xây dựng chuồng trại, cung cấp giống, nâng cao ý thức về ATLĐ, vệ sinh môi trường”.
Những năm gần đây, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, vị trí giao thông thuận lợi, cùng với phát triển chăn nuôi gia súc, Hùng Pèng còn tập trung phát triển cây chuối lấy quả xuất khẩu.
Dưới sự hướng dẫn của cán bộ HTX và ngành nông nghiệp địa phương, nhân dân bản Hùng Pèng đã trồng được gần 100 ha chuối. Với mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm, nhiều gia đình trong bản biên giới này đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm từ trồng chuối, anh Phàn Vần Tiến (bản Hùng Pèng), cho hay: “Không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, giống, phân bón, HTX còn hỗ trợ thành viên kết nối với thương lái để xuất khẩu chuối sang Trung Quốc. Nhờ đầu ra ổn định, giá chuối thường ở mức cao, 15.000 - 17.000 đồng/kg”.
Chia sẻ về hoạt động của HTX, Phó Giám đốc Lê Văn Dũng chia sẻ: “Cái tên HTX Đoàn Kết mang ý nghĩa là quân với dân cùng chung sức, chung lòng. Không chỉ hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, làm giàu cho các hộ thành viên, HTX còn chú trọng về ATLĐ, bảo vệ môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững”.
Với tôn chỉ, mục đích rõ ràng, HTX đã và đang “cắm mốc” trong lòng người dân vùng biên giới, củng cố niềm tin của đồng bào với bộ đội biên phòng. Những năm qua, toàn bản đã đăng ký khoanh nuôi, bảo vệ trên 120 ha rừng tự nhiên.
Đời sống kinh tế ổn định, người dân bản Hùng Pèng yên tâm sản xuất theo quy chuẩn an toàn, đồng thời sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Hưng Nguyên