Cách làm này không chỉ giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế mà còn góp phần giải quyết những khó khăn về thu gom rác thải trên các đảo.
Làm sạch môi trường biển
Đảo Trí Nguyên thuộc phường Vĩnh Nguyên hiện có 127 bè nuôi trồng thuỷ sản với hơn 3.350 ô lồng, chủ yếu là nuôi tôm hùm xanh, ngoài ra bà con còn thả nuôi bổ sung một số loài cá thương phẩm như: Cá mú, cá bớp, cá hồng… Những năm gần đây, do mật độ bè nuôi trồng thủy sản tương đối dày, rác thải ứ đọng đã làm cho môi trường nước vùng nuôi quá tải, gây ra dịch bệnh. Mặt khác, ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu và thị trường đầu ra của thủy sản ngày một khó khăn … ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân.
Chia sẻ khó khăn với bà con nông dân, UBND phường Vĩnh Nguyên đã vận động, tuyên truyền hướng dẫn cho các chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản thành lập tổ hợp tác (THT) nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường phường Vĩnh Nguyên.
![]() |
Thành viên THT kiểm tra chất lượng cá lồng. |
Đến nay, THT thu hút 15 thành viên tham gia nuôi trồng thuỷ sản như tôm hùm, cá mú… theo hình thức lồng bè. Mặc dù bước đầu thành lập gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng với sự chủ động trong sản xuất và liên kết, dần dần THT từng bước đi vào quy củ, nền nếp và hoạt động có hiệu quả.
Ông Lê Minh Quyền, Tổ trưởng THT, cho biết THT tập trung hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho người dân nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao và tuyên truyền người dân không được vứt rác ra môi trường biển.
Trước đây, đảo Trí Nguyên bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ chất thải. Đặc biệt là rác thải nhựa, bao bì, túi ni lông, vỏ chai nhựa, hộp đựng thức ăn... từ các hoạt động kinh doanh, nuôi trồng thủy sản trong khu vực. Rác thải trôi nổi theo luồng gió tấp vào bờ quanh đảo làm ảnh hưởng đến mỹ quan và hoạt động nuôi trồng thủy hải sản. Chính vì vậy việc thu gom rác thải cần được thực hiện song song trong quá trình nuôi thủy hải sản để gia tăng hiệu quả.
Ngoài thời gian chăm sóc lồng cá, thành viên thực hiện vớt rác, sau đó đưa lên thuyền vận chuyển về đất liền để công ty môi trường chuyển đi xử lý. THT cũng thực hiện tuyên truyền, vận động người dân, khách du lịch để rác đúng nơi quy định, hạn chế các hoạt động không cần thiết để giảm lượng rác thải.
“Nếu không thu gom, rác thải sẽ làm thiếu oxy, thủy sản không thể phát triển được. Trong khi nuôi trồng thủy hải sản là ngành nghề chính của người dân vùng ven biển”, ông Lê Minh Quyền cho biết.
Nếu trước đây, đảo Trí Nguyên là “điểm nóng” rác thải biển và ven biển, nay nhờ sự chung sức của THT, lượng rác đã giảm gần 80%. Rác thải được thu gom không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn hỗ trợ đắc lực công tác nuôi trồng thủy hải sản của các thành viên.
Động lực phát triển sản xuất
Theo ban giám đốc, khi diện tích mặt nước lớn được bảo đảm sạch sẽ rất thuận tiện cho việc nuôi các loại cá biển đặc sản, tôm hùm... Hiện ngoài cung cấp các loại tôm cá thương phẩm, THT còn thực hiện nuôi tôm, cá giống cung cấp ra thị trường. Đây chính là nguồn đầu vào quan trọng phục vụ việc quản lý và củng cố pháp lý trong việc đề xuất hỗ trợ thành viên trong trường hợp nếu có xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
Tham gia THT đã giúp các hộ nuôi trồng từng bước khắc phục một số yếu kém của hộ sản xuất riêng lẻ như thiếu vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, cùng nhau chung sức phòng chống thiên tai, bão lũ.
![]() |
Tham gia THT giúp thành viên nâng cao nhận thức trong sản xuất bền vững. |
Có thể nói, mô hình THT nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường phường Vĩnh Nguyên đã và đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn mà THT gặp phải như đầu ra của thủy sản, việc sắp xếp lồng bè nuôi trồng còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết.
Trước những đóng góp của THT, thời gian tới, UBND phường Vĩnh Nguyên sẽ phối hợp với các cấp ngành tiếp tục hỗ trợ THT để hoạt động đồng bộ và hiệu quả hơn. Đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản, thực hiện thu phí, thu gom rác thải; gắn trách nhiệm mỗi bè nuôi trồng thủy sản vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường chung của toàn vùng.
Huyền Trang