Sau chưa đầy 5 năm phát triển, mô hình nuôi tôm càng xen lúa ở Thới Bình đã nhân lên xấp xỉ 16.000 ha, tập trung ở các xã Biển Bạch Đông, Tân Bằng, Biển Bạch, Thới Bình, Trí Phải, Trí Lực… Đến giữa tháng 1/2021, khoảng hơn 30% diện tích tôm càng xanh của huyện đã thu hoạch, cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/ha.
Ưu điểm vượt trội
Thới Bình có diện tích đất tự nhiên gần 64.000 ha, trong đó có trên 59.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất nông – ngư nghiệp chủ yếu tập trung vào nuôi trồng thủy sản, trồng lúa … được tổ chức theo hướng thâm canh, luân canh, xen canh tăng năng suất.
Mô hình tôm - lúa có nhiều ưu điểm vượt trội trong bối cảnh biến đổi khí hậu (Ảnh TL). |
Trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, huyện đặc biệt chú trọng quan tâm phát triển mô hình canh tác lúa - tôm, quản lý thủy lợi, đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ người trồng lúa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường.
Ông Trần Văn Thiệt, thành viên HTX Dịch vụ - Sản xuất lúa – tôm Trí Lực, xã Trí Lực, cho biết vào mùa mưa hằng năm, khi độ mặn hạ xuống cực thấp, không còn phù hợp nuôi tôm sú, tôm thẻ, nhà nông Thới Bình tiến hành rửa mặn vuông tôm để trồng lúa, kết hợp nuôi tôm càng xanh.
Tôm càng xanh được nuôi xen canh trong những cánh đồng canh tác lúa hữu cơ với các giống ST chất lương cao. Trong quá trình canh tác, lúa không phun thuốc, phân bón hóa học mà chỉ bón một lượng nhỏ phân hữu cơ vào thời điểm nhất định, giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Với tôm càng, các hộ nuôi chỉ chọn giống tốt và để tôm tự kiếm ăn. Vì thế, thịt tôm, gạch tôm có mùi thơm đặc trưng riêng và rất chắc thịt.
“Năm nào mặn đến sớm quá khiến lúa bị chết, chúng tôi sẽ tiến hành cấy bồn bồn lấp vụ để làm chỗ dựa cho tôm phát triển. Nhờ môi trường sinh thái được đảm bảo nên chất lượng tôm càng được bảo đảm, được thị trường ưa chuộng”, ông Khải chia sẻ.
Tiếp tục nhân rộng
Theo các hộ phát triển mô hình tôm càng xen lúa ở Thới Bình, nếu tuân thủ đúng quy trình sản xuất, năng suất tôm sẽ đạt bình quân 200 – 250 kg/ha. Với giá bán tại ruộng đạt trung bình 110.000 - 130.000 đồng/kg, sau khi trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận đạt 20 – 22 triệu đồng/ha mặt nước.
Nâng cao trình độ khoa học - kỹ thuật là yếu tố cốt lõi để nâng cao hiệu quả mô hình tôm xen lúa (Ảnh TL). |
Kể từ năm 2020 đến nay, huyện đã tích cực chuyển giao kỹ thuật, tập huấn nâng cao trình độ cho người dân. Đến nay, huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa - tôm cho người trồng lúa được 34 lớp, có gần 2.000 lượt nông dân tham dự.
Huyện hỗ trợ cho người trồng lúa áp dụng giống lúa mới vào sản xuất, với gần 500 tấn lúa giống, chủ yếu là những giống lúa ngắn ngày, chất lượng gạo tốt và thích nghi với điều kiện hạn mặn.
Ông Lê Văn Bé, xã Trí Phải, chia sẻ: “Trước đây, việc canh tác chủ yếu theo kiểu truyền thống, không có bài bản, nay được tập huấn kỹ thuật nên hiệu quả của mô hình lúa – tôm được nâng lên”.
Theo đó, ngoài chú trọng khâu cải tạo đất, người dân cũng tuân thủ lịch thời vụ khuyến cáo ngành chuyên môn. Trồng lúa theo hướng hữu cơ để đảm bảo phát triển hài hòa lợi ích giữa con tôm và cây lúa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Trong thời gian tới, để đảm bảo phát triển mô hình lúa – tôm bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện tập trung nâng cao vai trò của tổ hợp tác, HTX. Tổ chức liên kết giữa nông dân sản xuất lúa – tôm với HTX, doanh nghiệp cung ứng con giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm, từ đó góp phần giảm chi phí, tạo hướng đi bền vững cho nông dân.
Hưng Nguyên