Vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao huyện Đức Hòa được hỗ trợ, quy hoạch tập trung ở các xã Lộc Giang, An Ninh Tây, Tân Mỹ, Hòa Khánh Đông và Hòa Khánh Nam… với tổng diện tích hơn 285 ha. Thành công hiện tại của mô hình có dấu ấn đậm nét từ các HTX, tổ hợp tác.
Đổi mới sản xuất
HTX sản xuất kinh doanh rau củ quả an toàn Tân Hiệp, xã Đức Lập Hạ, đang là một trong những điển hình thành công trong sản xuất rau củ ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Đức Hòa.
Đổi mới sản xuất giúp người nông dân nâng cao giá trị nông sản (Ảnh TL). |
HTX Tân Hiệp hiện có vùng sản xuất rau 10ha, trong đó có 5 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Đức Hòa Thượng. Sản phẩm rau sạch của HTX luôn bảo đảm chất lượng nên đầu ra tương đối thuận lợi.
Để kết nối được với các doanh nghiệp, HTX đã chủ động đổi mới, nâng tầm sản xuất, lấy yếu tố xanh, sạch, thân thiện với môi trường làm cốt lõi. Theo đó, trong quá trình canh tác, HTX loại bỏ hóa chất độc hại, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tuân thủ nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong khâu sơ chế, các phần rau bị loại sẽ được HTX thu gom để ủ, xử lý vi sinh thành phân bón thay vì bị vứt bỏ như rác, từ đó vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Chưa, ấp Thuận Hòa 1, xã Hòa Khánh Nam cho biết, gia đình ông trồng được gần 2,5 ha khổ qua, sản phẩm làm ra bán cho HTX Tân Hiệp với giá bình quân 9.000 – 12.000 đồng/kg.
“Để được HTX thu mua, chúng tôi phải tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, đảm bảo tạo ra những sản phẩm tốt, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại. Nhiều kỹ thuật hơn nhưng giá bán ổn định nên chúng tôi rất phấn khởi”, ông Chưa cho hay.
Những mục tiêu kép
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Đức Hòa, những kết quả thực tế cho thấy mô hình trồng rau theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường trên địa bàn huyện đang được đầu tư đúng hướng.
Mô hình trồng rau có ứng dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục được thúc đẩy ở Đức Hòa (Ảnh TL). |
Để thúc đẩy mô hình, huyện đã hỗ trợ thành lập thêm 2 HTX hoa màu ở Tân Mỹ và An Ninh Tây, 4 tổ hợp tác ở Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Đông và Lộc Giang, cùng với HTX Tân Hiệp chuyên thu mua các loại rau màu duy trì hoạt động nhằm hỗ trợ ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân.
Trong thời gian tới, các HTX, tổ hợp tác sẽ tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt, liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao.
Bên cạnh hoàn thiện sản xuất, các hoạt động thúc đẩy, xúc tiến, kết nối thị trường tiêu thụ cũng sẽ được huyện đẩy mạnh, từ đó nâng cao thương hiệu rau màu công nghệ cao Đức Hòa, góp phần nâng cao giá bán nong sản, gia tăng giá trị sản xuất cho người dân.
Cùng với phát huy lợi thế, huyện sẽ chủ động khắc phục những điểm yếu còn tồn tại như các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ chưa tạo được vùng chuyên canh, các HTX, tổ hợp tác chưa bao tiêu được 100% sản phẩm cho người dân, vốn đầu tư mở rộng còn thiếu…
Dù vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện, nhưng việc triển khai thực hiện xây dựng vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Đức Hòa thời gian qua đã và đang mở ra hướng đi mới cho nông dân. Đặc biệt là chuyển dần từ nền sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, đạt chất lượng và thân thiện với môi trường, mở hướng đi bền vững.
Nhật Minh