Theo thống kê, toàn huyện Phụng Hiệp hiện có gần 400 cá thể chồn hương được người nuôi đăng ký. Trung bình, một con chồn giống sau 1 năm nuôi có thể xuất bán với trọng lượng đạt 3,5-4kg, hiện được thu mua với giá 1,3-1,4 triệu đồng/kg.
Hiệu quả kinh tế cao
Hiệp Hưng đang là xã điểm phát triển thành công mô hình nuôi chồn hương theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, từ một hộ nuôi, xã hiện có hơn 10 hộ nuôi loài động vật này.
Nuôi chồn hương đem lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh TL). |
Ông Lê Quốc Dũng, thành viên tổ hợp tác chăn nuôi xã Hiệp Hưng, cho biết chồn hương là loài dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn đa phần là các loại thực vật tự nhiên thân thiện môi trường như chuối chín, rau, củ, quả hay cá tạp… những loại rất dễ tìm, ít chi phí.
Chồn con sau 1 năm nuôi sẽ cho sinh sản hoặc bán thịt. Trung bình một con chồn hương sinh sản, mỗi năm sẽ đẻ từ 2 đến 4 con non. Mỗi con chồn con được bán với giá 2,5 triệu đồng, riêng chồn thịt có giá 1,1 triệu đồng/kg.
"Hiện, gia đình tôi đang nuôi gần 50 cặp chồn bố mẹ. Hàng năm, nhờ bán giống và chồn thịt, tôi thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Nếu so với làm lúa, nuôi heo thì nuôi chồn hương dễ mà lời hơn rất nhiều lần, đầu ra cũng ổn định vì thương lái tìm đến tận nơi thu mua", ông Dũng phấn khởi nói.
Theo ông Dũng, để duy trì hiệu quả của mô hình, bên cạnh hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật chăn nuôi, việc đảm bảo môi trường xanh, sạch cho chồn sinh trưởng là điều đặc biệt quan trọng.
Đơn cử, trong quá trình chăm sóc, chuồng trại nuôi chồn phải được dọn sạch sẽ, thường xuyên khử khuẩn, các loại chất thải được thu gom xử lý đúng cách, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chồn là loài ưa sạch sẽ, không thích ẩm ướt, nếu chuồng sáng quá thì chồn sẽ bị đau mắt. Chồn nuôi nhốt vẫn giữ bản tính hoang dã rất hung dữ, nếu nuôi chung thường cắn nhau đến chết, nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con một ô.
Ngày càng mở rộng
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, với những ưu điểm vượt trội về kinh tế, mô hình nuôi chồn hương đang ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện. Kể từ năm 2018 đến nay, mỗi năm huyện có thêm 20 – 30 mô hình mới, theo quy mô hộ gia đình hoặc tổ hợp tác.
Mô hình nuôi chồn sẽ tiếp tục được hỗ trợ theo hướng trang trại, an toàn sinh thái (Ảnh TL). |
Tùy theo quy mô, mỗi mô hình chăn nuôi giúp nông dân cải thiện thu nhập bình quân 70 –200 triệu đồng/năm, cá biệt có thể hơn 500 triệu đồng/năm.
Đáng chú ý, quy mô của các mô hình ngày càng được nâng lên, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh thái được áp dụng đem lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường nơi đây.
Thị trường tiêu thụ chồn hương thương phẩm, chồn hương giống ở Phụng Hiệp cũng ngày càng được mở rộng. Với sự tham gia của các tổ hợp tác, các sản phẩm đều có thương lái đến tận nơi thu mua. Hiện tại, chồn hương Phụng Hiệp được bán ở các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và TP. Hồ Chí Minh.
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện cho biết trong thời gian tới, với những hộ có nhu cầu nuôi, ngành sẽ khuyến khích, hỗ trợ với điều kiện người nuôi phải tuân thủ khai báo để ngành chức năng quản lý, chuyển giao kỹ thuật...
Để phát triển bền vững, huyện sẽ có giải pháp thích hợp để tránh vỡ quy hoạch, từ đó vừa góp phần đa dạng hóa vật nuôi, vừa cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống người dân vùng nông thôn.
Nhật Minh