Cam xoàn cho chất quả ngọt thơm, phù hợp với điều kiện canh tác và thổ nhưỡng của vùng đất Ô Môn. Do lợi nhuận thu được cao hơn so với trồng lúa và các loại hoa màu khác nên những năm gần đây, không ít hộ nông dân chọn cam xoàn là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do các vườn cam được trồng tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết nên suốt một thời gian dài, cam xoàn nơi đây vẫn yếu thế trước các giống cam chuyên canh tại những vùng khác.
Liên kết đi đôi với bảo vệ môi trường
Trước tình hình đó, đầu năm 2018, các nhà vườn trồng cam tại phường Thới An đã tập trung liên kết làm ăn, thành lập nên HTX nông nghiệp Thới Thạnh. HTX thống nhất tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng quả.
Do được trồng theo phương pháp khoa học, cây được bón phân hữu cơ nên vườn cam của các thành viên HTX mặc dù đã cho thu hoạch nhưng vẫn xanh tốt, không bị bệnh vàng lá, trái to, ngọt, nhiều nước.
Cam ra đồng đều, bảo đảm chất lượng nhờ được trồng theo chuẩn VietGAP. |
Thời gian trước, do đất trồng một phần bị nhiễm phèn và cằn cỗi nên cam đẹn nhiều, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, khi vào HTX, ngoài tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, các thành viên còn được ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn kỹ thuật trồng cam bằng cách tự ủ phân hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Long, thành viên HTX, cho biết: Do đất vốn không được màu mỡ lại bị nhiễm phèn nên ông hạn chế dùng phân hóa học vì dễ gây chết cây. Để cung cấp dinh dưỡng cho vườn cam, ông dùng vôi bột trộn với phân hữu cơ rải trên đất cho hạ phèn, rồi dùng rơm, phân chuồng, bã mía trộn với chế phẩm sinh học để ủ, bón cho cây từ 3-4 lần trong năm. Ngoài ra, nhằm hạn chế sử dụng thuốc hóa học trên vườn cam, khi diệt cỏ thay vì dùng thuốc hóa học, ông dùng dao xén rồi phủ lên các gốc cây trong vườn để giữ ẩm và tạo thành phân cho cây khi cỏ phân hủy.
Không chỉ sử dụng phân hữu cơ, các thành viên còn chú ý đến việc tưới tiêu hợp lý. Mùa nắng, vườn cam được tưới 3-5 lần/tuần, mùa mưa phải chú trọng thoát nước, tránh gây ngập úng.
Hiệu quả từ việc dùng phân hữu cơ ngoài tạo cho đất vườn luôn tơi xốp, dễ thoát nước còn hạn chế tối đa hiện tượng úng rễ trong mùa mưa, giúp các thành viên giảm hơn 30-40% chi phí đầu tư so với cách trồng dùng phân vô cơ thông thường.
“Do dùng nguyên liệu sẵn có để làm phân bón nên giảm chi phí, vì cây ít bị sâu bệnh gây hại”, ông Long cho biết.
Theo Ban giám đốc HTX, khi bón phân hữu cơ cho cây đã bổ sung cho đất các vi sinh vật có ích, giúp cây nâng cao sức đề kháng, chống chọi lại các mầm bệnh, côn trùng và sinh vật gây hại cho cây trồng. Cách làm này hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc hóa học, nên vừa giải quyết được vấn đề bảo vệ môi trường lại nâng cao chất lượng quả cam.
Khoảng 4 năm về trước, không ít nhà vườn phải đốn cây cam khi không mang lại hiệu quả do dịch bệnh vàng lá gây hại và đất đai cằn cỗi. Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất của HTX Thới Thạnh tạo ra hướng đi bền vững và mang hiệu quả thiết thực trong thực tiễn. Không ít gia đình đã chủ động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật hoặc chủ động học hỏi kinh nghiệm từ HTX.
Khẳng định thương hiệu
Với 43 thành viên và 30 ha cam xoàn, sau thời gian áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng quả cam của HTX tăng lên đáng kể, giá bán cũng cao hơn, ổn định ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg, có thời điểm lên 45.000 đồng/kg.
Đầu tư sản xuất theo quy trình an toàn kết hợp xây dựng thương hiệu gắn với địa danh của địa phương là giải pháp gia tăng giá trị cho trái cam xoàn được HTX Thới Thạnh hướng tới. Ông Lê Văn Lợi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, cho biết: "Cam xoàn đạt chất lượng an toàn với vị ngọt đặc trưng đã được khách hàng và nhiều doanh nghiệp biết đến. Thành quả này chính là nhờ sự đồng lòng, nỗ lực của các thành viên HTX, từ việc ứng dụng quy trình canh tác an toàn đến xây dựng nhãn hiệu tập thể".
HTX hỗ trợ thành viên thu mua và tiêu thụ cam. |
Đến nay, quá trình sản xuất của HTX được bảo đảm từ việc trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX đạt chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cam xoàn Thới An - Ô Môn”.
Từ thành công này, HTX Thới Thạnh mạnh dạn tham gia nhiều hội chợ nông nghiệp, hội nghị kết nối cung-cầu nông sản chủ lực trong và ngoài thành phố. Qua đó, thương hiệu cam xoàn Thới An không chỉ có nhiều người tiêu dùng biết đến mà còn được không ít doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh phía Bắc hợp tác liên kết. Điều này đã, đang và sẽ tạo động lực để HTX tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước khẳng định vị thế và thương hiệu “Cam xoàn Thới An - Ô Môn” trên thị trường.
Như Yến