Nhiệm kỳ vừa qua, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nhằm hỗ trợ cho lao động tại các HTX nâng cao tay nghề, phục vụ tốt công việc.
6 năm đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 7.100 cán bộ, lao động HTX
HTX Hằng Anh là đơn vị chuyên về sản phẩm chè và cà gai leo mới thành lập năm 2018 tại xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế do chị Chu Thị Hằng làm Giám đốc. Ngay từ khi thành lập, HTX đã được các sở, ngành và Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang hỗ trợ tham gia các lớp học, các khóa tập huấn về kiểm toán HTX, quản trị HTX, chương trình xây dựng tem nhãn, bao bì sản phẩm, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Chị Chu Thị Hằng cho biết, từ năm 2018 đến nay, bản thân chị và một số thành viên HTX đã tham gia 7 khóa tập huấn, đào tạo.
“Tham gia các lớp đào tạo, tập huấn đã giúp HTX nâng cao nhận thức về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, quy trình về nhãn hiệu, quy chuẩn về sản phẩm và công tác quản lý HTX. Đây là việc hết sức có ý nghĩa, giúp công tác quản lý HTX ngày càng tốt hơn, qua đó xây dựng HTX phát triển bền vững”, chị Hằng nói.
Được hỗ trợ đào tạo nghề sẽ giúp cho lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định. |
Nhằm hỗ trợ tích cực cho các HTX trong công tác bồi dưỡng cán bộ, Bắc Giang đã tập trung đào tạo, nâng cao tay nghề, kiến thức cho người lao động. Từ năm 2014 đến nay, với nguồn ngân sách được UBND tỉnh giao, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã mở được 64 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt HTX với tổng số 4.970 lượt người và 28 lớp sáng lập viên với 2.154 lượt người tham gia.
Các nội dung chương trình bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo được đổi mới, phù hợp với đối tượng và nhu cầu của học viên. Trong đó tập trung các nội dung về tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật HTX năm 2012, phổ biến các văn bản triển khai thi hành, hướng dẫn các bước tổ chức lại HTX, nghiệp vụ quản lý của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, công tác tài chính, kế toán, marketing, các Luật có liên quan...
Ông Trần Quang Hùng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang cho biết: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần nâng cao năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý các HTX”.
Nhu cầu đào tạo nghề rất lớn
Hiện nay, nhu cầu về đạo tạo nghề cho bản thân HTX là rất lớn và hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI đang rất quan tâm đầu tư vào Bắc Giang. Các doanh nghiệp FDI chú trọng đào tạo lao động làm việc cho doanh nghiệp mình bằng cách cầm tay chỉ việc và chi trả công lao động cao nên thu hút tốt nguồn lực lao động.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Đình Bình, Giám đốc HTX cơ khí Lạng Giang, khó khăn nhất trong các ngành hàng cơ khí là tuyển dụng lao động có tay nghề đã được đào tạo bài bản.
Nếu không được đào tạo nghề một cách bài bản, lao động trong khu vực HTX rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI. |
HTX Lạng Giang hiện có 30 lao động thường xuyên, chủ yếu là tự học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, một số ít lao động được HTX cử đi tham gia các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn.
"Để cạnh tranh được lao động chất lượng cao, bản thân các HTX phải vận động để tự đào tạo lao động cho mình bằng cách cầm tay chỉ việc, đồng thời rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc mở các lớp đào tạo nghề để nâng cao tay nghề cho lao động”, ông Bình mong muốn.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có có 775 HTX với sự tham gia của 35.464 thành viên, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
Ông Trần Quang Hùng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang cho biết, đánh giá một cách khách quan thì phần đông người lao động trong các HTX, nhất là lao động có độ tuổi từ 35 trở lên cơ bản là học tập kinh nghiệm lẫn nhau và được tập huấn qua các khóa ngắn hạn chứ không được đào tạo một cách bài bản.
“Để nâng cao chất lượng lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và Liên minh HTX Việt Nam trong việc hỗ trợ đào tạo, dạy nghề cho người lao động các HTX của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới”, ông Hùng kiến nghị.
Hoàng Anh