An Bình là một xã thuần nông của huyện Thoại Sơn với diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 85,9% diện tích đất tự nhiên (2.402,5/2.798,04 ha). Trong đó, lúa là cây trồng chủ lực của xã, cùng với việc phát triển hệ thống đê bao khép kín, kênh mương thuận tiện cho việc tưới tiêu, canh tác lúa 3 vụ trong năm. Đây là những nền tảng để HTX An Bình tập hợp nông dân cùng nhau liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với doanh nghiệp với diện tích khoảng 400 ha/vụ.
Thay đổi tư duy sản xuất
Khi liên kết với doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ thực hiện quy trình sản xuất lúa bền vững SRP. Theo các chuyên gia, nếu đạt tiêu chuẩn quốc tế này, giá lúa gạo có thể tăng từ 10% - 20% so với sản xuất thông thường, đồng thời môi trường cũng được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh việc áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm” đã được Bộ NN&PTNT công nhận chính thức, các thành viên HTX còn được tập huấn, hướng dẫn tham quan các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới như vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ hàng, quản lý nước tưới, phòng trừ dịch hại IPM, bón phân cân đối, hợp lý theo 4 đúng…
Áp dụng khoa học kỹ thuật giúp cây lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Thực tế nhiều năm trở lại đây, một số kỹ thuật mới trên đồng ruộng đã được triển khai ở các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng việc triển khai nhân rộng vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là nông dân vẫn quen lối canh tác truyền thống, mặt khác lại chưa ý thức được hết những hệ lụy đối với đất đai, môi trường và sức khỏe của chính mình nếu sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.
Vì vậy, để áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP một cách hoàn chỉnh và đồng bộ, Ban giám đốc HTX An Bình đã kết hợp chặt chẽ với các cấp ngành và doanh nghiệp đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nông dân tin tưởng và nghiêm túc thực hiện theo từng khâu của quá trình. Bên cạnh đó, HTX tạo điều kiện để thành viên tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng và nhận thức.
Sau khi được tham gia lớp tập huấn về tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP, các thành viên và hộ nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất cũng như hành động trong canh tác lúa. Vấn đề về xử lý rơm rạ sau mùa thu hoạch cũng được tuân thủ: thành viên tuyệt đối không đốt đồng, thay vào đó là tận dụng rơm rạ để bán, trồng nấm rơm hoặc xử lý vi sinh thành phân hữu cơ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX An Bình Trịnh Công Minh cho biết, đến nay, các thành viên đã hiểu rõ hơn về quản lý dịch hại IPM, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”. Mọi người còn nhắc nhở nhau khi phun thuốc bảo vệ thực vật phải mang bảo hộ lao động và cắm bảng cảnh báo ruộng mới phun để mọi người cùng biết.
Các tiêu trong quy trình SRP tuy đòi hỏi khắt khe nhưng lại đảm bảo việc sản xuất ra lúa an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe của người nông dân cũng như người tiêu dùng. Chính vì vậy, dù mới đi vào thực hiện 2 năm gần đây, nhưng mô hình của HTX An Bình không chỉ đem lại lợi ích cho nông dân, cộng đồng mà còn góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Bên cạnh đó là nâng cao được nhận thức, thay đổi hành vi trong sản xuất lúa đối với người nông dân.
Nâng giá trị hạt gạo
Hiện nay, HTX đang thu hút 76 thành viên tham gia. Từ khi thành lập, HTX đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH MTV lương thực Thoại Sơn (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) thực hiện chuỗi liên kết giá trị từ cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật đến đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Nhờ thực hiện sản xuất theo chuỗi, sản lượng lúa của HTX đã đạt khoảng 10.000 tấn vào năm 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2018.
Gạo của HTX được đóng gói, hoàn thiện bao bì, mẫu mã trước khi xuất ra thị trường. |
Đặc biệt, sản phẩm gạo sạch của HTX còn đủ điều kiện tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sau quá trình đánh giá, phân loại, gạo An Bình được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2020, từ đó góp phần làm tăng thêm giá trị và khẳng định uy tín thương hiệu sản phẩm của HTX trên thị trường.
Đến nay, HTX đã xây dựng được quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Theo đó, HTX đứng ra cung cấp vật tư đầu vào, nông dân thực hành canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP và được kiểm soát bảo vệ thực vật chặt chẽ, nông dân được bao tiêu sản phẩm và HTX tạo ra sản phẩm gạo an toàn đưa đến tay người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ gạo đến các tỉnh lân cận nhằm tăng thêm lợi nhuận, đảm bảo quyền lợi cho các thành viên. Bên cạnh đó, HTX sẽ phát triển thêm thành viên, tăng diện tích sản xuất, đảm bảo sản lượng gạo có thể đáp ứng được nhu cầu mở rộng thị trường.
Tùng Lâm