Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, một số cây trồng chủ lực của TP. Tam Điệp đang khẳng định được hiệu quả kinh tế, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hiệu quả nhờ sản xuất sạch
Kể từ năm 2016 đến nay, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, gắn với chỉnh trang đồng ruộng, Tam Điệp đã đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nông dân phát triển sản xuất lớn theo hướng liên kết, hình thành các chuỗi giá trị.
Theo đó, các HTX, tổ hợp tác, các hộ dân đã từng bước chuyển đổi và thực hiện tốt quy trình canh tác đảm bảo đồng giống, đồng trà, thuận lợi cho việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, và đặc biệt là đưa cơ giới vào sản xuất, từ đó gia tăng giá trị, bảo vệ môi trường.
Giá trị trồng trọt ở Tam Điệp đang được nâng lên nhờ sản xuất sạch (Ảnh TL). |
Điển hình, HTX bưởi da xanh Tam Điệp, xã Đông Sơn, được thành lập vào năm 2019, là tập hợp các hộ sản xuất có nhu cầu cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, khoa học - kỹ thuật và hướng tới xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Tam Điệp.
Để nâng cao hiệu quả, các thành viên HTX đã chủ động tham gia các khóa tập huấn, nắm chắc kỹ thuật sản xuất VietGAP, hữu cơ, giúp năng suất, chất lượng quả bưởi của đơn vị ngày càng được nâng lên.
Đơn cử, theo quy trình sản xuất sạch, các hộ chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, thân thiện môi trường. Quá trình sử dụng tuân thủ nguyên tắc đúng loại, đúng liều, đúng cách, đúng thời gian, hạn chế tối đa nguồn gây ô nhiễm đất, nước, không khí.
Hay như HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp, đang góp phần “thức tỉnh” vùng chè xã Đông Sơn, mang lại những lợi ích tích cực về kinh tế, môi trường sinh thái.
Theo đại diện HTX, ban đầu HTX chỉ lựa chọn 30 ha của những hộ có đủ điều kiện, cam kết làm theo quy trình VietGAP để liên kết, hỗ trợ sản xuất và thu mua sản phẩm.
Vào HTX, các hộ được hỗ trợ các hộ về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cam kết thu mua sản phẩm cho bà con với giá 15 nghìn đồng/kg búp tươi.
Đổi lại, trong quá trình sản xuất, các hộ trồng chè đặt yếu tố an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường lên hàng đầu, sau đó mới tính đến nâng chất sản phẩm.
Tiếp tục hiện đại hóa sản xuất
Sự đồng hành của các ban, ngành chức năng với những chính sách hỗ trợ thiết thực đang là điểm tựa giúp các HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân trên địa bàn TP. Tam Điệp đổi mới sản xuất, nâng cao hiệu quả.
Tam Điệp sẽ đẩy mạnh phát triển ngành trồng trọt theo hướng hiện đại (Ảnh TL). |
Đến nay, 100% diện tích lúa trên địa bàn thành phố được làm đất bằng máy, 80% diện tích được gieo cấy bằng phương pháp gieo sạ, 90% diện tích sử dụng máy gặt đập trong khâu thu hoạch, tạo cơ sở để năng suất lúa từng vụ được tăng lên.
Thành phố cũng chuyển đổi thành công hơn 46,8 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp nuôi cá, hơn 427 ha diện tích cấy lúa mùa năng suất thấp sang sản xuất lúa tái sinh kết hợp nuôi cá vụ tại phường Tân Bình và xã Yên Sơn.
Ngoài ra, một số địa phương đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu như nghệ, cà gai leo, tam thất... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa.
Để tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, Tam Điệp định hướng phát triển trồng trọt theo hướng thâm canh tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo giá trị gia tăng cao. Phát triển bền vững trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng vùng, thích ứng và khai thác những lợi thế, hạn chế những rủi ro từ biến đổi khí hậu.
Hưng Nguyên