Trần Văn Thời là một trong những huyện có diện tích canh tác lúa lớn nhất tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, do giá lúa bấp bênh cũng như điều kiện canh tác ngày một khó khăn nên thu nhập từ trồng lúa của bà con nơi đây khá thấp so với mặt bằng chung.
Tối ưu hóa sản xuất
Với sự vào cuộc của các cấp ngành cùng doanh nghiệp, HTX đã triển khai mô hình trồng lúa bền vững thông qua việc ứng dụng các kỹ thuật thông minh như: cấy bằng máy, bón vùi phân, phòng trừ dịch hại IPM, tưới ngập - khô xen kẽ trong quản lý nước, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng phương tiện bay không người lái, ghi chép nhật ký sản xuất và truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh…
Để đảm bảo lúa hàng hóa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thành viên HTX cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, nên chọn thuốc không gây ảnh hưởng lên cây lúa từ đó không có dư lượng trên hạt lúa gạo, không gây ô nhiễm môi trường, không độc hại đối với người sử dụng.
Nông dân thăm đồng để nắm bắt tình hình phát triển của cây lúa. |
Với những kỹ thuật tiến tiến, các thành viên dần tin tưởng vào mô hình sản xuất. Ông Nguyễn Hoàng Em, thành viên HTX, cho biết gia đình ông chỉ tốn tiền phân bón và thuốc khoảng 1 triệu đồng cho 4ha lúa. Ông không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ tốn 2 lần bón phân phục vụ bón lót và trước khi lúa trổ đòng. Nhờ đó, lúa phát triển đồng đều, ít sâu bệnh trong khi trồng lúa truyền thống phải phun thuốc hóa học từ 6-7 lần/vụ.
Còn theo Ban giám đốc HTX, một trong những thành công của mô hình này là thành viên đã biết ứng dụng những giải pháp kỹ thuật canh tác mới. Trong đó việc giảm thiểu tối đa phun thuốc hóa học, biết quản lý dịch hại tổng hợp bằng phương pháp tự nhiên không chỉ giúp giảm chi phí, tăng năng suất mà còn giảm được 50% lượng phát thải khí nhà kính, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động.
“Ăn ngon ngủ yên” nhờ liên kết sản xuất
Mặc dù không dùng thuốc kích thích tăng trưởng, không lạm dụng phân thuốc hóa học nhưng năng suất lúa vẫn đạt bình quân 6-6,5 tấn/ha, có hộ còn đạt trên 7,2 tấn/ha (tăng 100-200 kg/ha). Lợi nhuận của các thành viên cũng tăng cao hơn khoảng 5- 7 triệu đồng/ha.
Trước đây, bà con gặp khó khăn rất nhiều vì đất bị nhiễm phèn và phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên năng suất lúa thường thấp hơn so với các vùng sản xuất lúa thuận lợi khác. Tuy nhiên, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, người trồng lúa hạn chế tình trạng phụ thuộc điều kiện tự nhiên.
Đặc biệt, mối liên kết trong mô hình kinh tế hợp tác giúp thành viên nhàn hơn hẳn. Trước đây khi vào vụ, mọi người phải lo đủ thứ từ phân bón, giống, bơm tưới, thuốc BVTV… Hiện đã có HTX đầu tư bơm tập thể bằng mô tơ điện, gieo sạ, thu hoạch đồng loạt nên rất thuận tiện.
Máy móc hỗ trợ người dân thu hoạch lúa. |
Đặc biệt, HTX liên kết với doanh nghiệp cung cấp giống lúa, phân bón đến tận nhà với giá thấp hơn so với mua bên ngoài. Công tác thu hoạch cũng được thực hiện hoàn toàn bằng máy gặt đập liên hợp giúp giảm thất thoát và công lao động.
Theo ban giám đốc, nông dân tham gia HTX sẽ ký hợp đồng để phối hợp làm các công đoạn trong sản xuất nhưng theo hướng tập trung, chuyên nghiệp. Nhờ đó, trên cùng thửa đất, người nông dân có thêm nhiều khoản thu nhập khác nhau.
Sự ra đời của HTX Rạch Lùm B đã và đang tạo điểm tựa vững vàng cho thành viên, nông dân liên kết trong phát triển sản xuất. Ðặc biệt, HTX đang tạo nên một cuộc cách mạng trong tư duy sản xuất bền vững cho người sản xuất tại địa phương.
“Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã hướng người dân đến sản xuất sạch, nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, mở hướng đi bền vững nên thu hút được sự tham gia của người dân”, ông Nguyễn Hoàng Em nhấn mạnh.
Như Yến