HTX dịch vụ nông nghiệp Mê Linh đang là một trong những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Hiện, HTX đang đồng hành cùng người dân sản xuất 2 vụ lúa và 1 vụ rau màu/năm.
Liên kết “3 bên” trồng khoai vụ đông
Khoai tây từng là cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông ở Mê Linh với thu nhập gấp nhiều lần cấy lúa. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, thị trường tiêu thụ bấp bênh, thiếu lao động nên diện tích vụ đông nói chung, diện tích trồng khoai tây nói riêng giảm đáng kể trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, chất đất pha cát vốn rất thích hợp cho trồng cây khoai tây, nếu không phát triển loại cây này, một số hộ chuyển sang trồng rau nhưng giá trị kinh tế không cao. Một số hộ không sản xuất mà để đất “ngủ đông” sẽ gây tình trạng hoang hóa, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.
Để vực lại phong trào sản xuất vụ đông, cũng như hồi sinh diện tích cây khoai tây trên cánh đồng của xã, HTX Mê Linh đã liên kết với một doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện trồng khoai tây theo chuỗi giá trị.
Khoai tây phù hợp với chất đất pha cát tại địa phương. |
Khi bắt tay vào mô hình này, HTX khuyến khích thành viên dồn điền, đổi thửa. Ngoài ra, HTX còn ký hợp đồng mượn đất của các hộ dân để tạo thành cánh đồng lớn rộng 20ha.
Trong mối liên kết 3 bên nông dân-HTX-doanh nghiệp, HTX đóng vai trò kết nối các khâu, hỗ trợ thành viên, người dân sản xuất. Theo đó, HTX đứng ra cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ máy móc và chịu trách nhiệm về kỹ thuật sản xuất đối với doanh nghiệp. Thành viên và các hộ liên kết chỉ việc đăng ký diện tích, nhận, kiểm tra giống đồng thời quản lý diện tích cây trồng của mình.
Vì sản xuất trên cánh đồng lớn liền vùng, liền thửa nên trong các khâu HTX đều có thể đưa máy móc vào hỗ trợ con người từ làm đất, lên luống, đến thu hoạch… Chị Vũ Thị Hoa (xã Mê Linh) cho biết, ngày xưa trồng khoai tây thủ công rất vất vả. Tuy nhiên hiện nay phần lớn các công đoạn như làm đất, lên luống, làm hốc, thu hoạch... đều được HTX làm bằng máy nên vừa giảm chi phí, nhân công lại gia tăng năng suất.
Điểm nổi bật trong mô hình này là HTX vốn tổ chức sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ và ứng dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ bằng men vi sinh nên vật tư phục vụ cho trồng khoai tây tương đối dồi dào. Rơm rạ được tận dụng để phủ mặt luống nhằm giữ ẩm, hạn chế cỏ dại. Phân hữu cơ từ rơm cũng được tận dụng nên tiết kiệm chi phí đầu tư, hạn chế ô nhiễm môi trường từ việc làm dụng phân thuốc hóa học và đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa.
Nhân đôi giá trị
So với lúa và rau màu, trồng khoai tây vụ đông cho hiệu quả cao gấp 3-4 lần, đạt 250-300 triệu đồng/ha, trong khi thời gian trồng cho đến khi thu hoạch ngắn. Mặt khác, trồng cây khoai tây vụ đông theo hướng hàng hóa còn giúp tăng độ xốp, độ màu mỡ của đất. Đây là giải pháp hữu hiệu để luân canh giữa cây trồng nước và cạn nhằm hạn chế nguồn lây lan một số sâu bệnh.
Không chỉ góp phần tăng thu nhập cho nông dân và thành viên, mô hình sản xuất của HTX Mê Linh còn giúp nông dân thực hành quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, biết cách sử dụng các chế phẩm sinh học, thay đổi tập quán canh tác để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Vụ đông năm 2020-2021, khoai tây của HTX được doanh nghiệp đăng ký thu mua với giá 12-14 nghìn đồng/kg ngay tại ruộng. Thành viên và người dân không phải vất vả vận chuyển và bảo quản khoai tây như trước. “Dự kiến mỗi sào thu được 5 - 6 tạ củ với giá cao như hiện nay người nông dân thu được gần 5 triệu đồng/sào”, chị Vũ Thị Hoa chia sẻ.
Người dân thu hoạch khoai tây để cung cấp cho doanh nghiệp. |
Nếu như vụ đông năm 2019-2020, HTX sản xuất khoai tây trên diện tích 20ha thì đến vụ động năm 2020-2021, HTX đăng tăng lên 25ha. Toàn bộ sản phẩm đều được doanh nghiệp thu mua theo hợp đồng.
Sự năng động của HTX Mê Linh đã giúp phong trào sản xuất vụ động tại địa phương được hồi sinh. Theo UBND xã, những năm trước, các hộ chỉ tập trung sản xuất 2 vụ lúa còn lại sẽ trồng rau nhỏ lẻ hoặc bỏ hoang. Tuy nhiên, mô hình sản xuất khoai tây hàng hóa với sự tham gia “3 bên” đã giúp Mê Linh từ một xã “trắng” khoai tây, nay đã trở thành địa phương có diện tích trồng khoai lớn thứ hai của huyện, chỉ sau xã Trọng Quan.
Để phát triển cây vụ đông nhất là cây khoai tây, trong thời gian tới, HTX Mê Linh sẽ kết hợp cùng địa phương, từng bước quy hoạch sản xuất theo vùng, mở rộng liên kết với doanh nghiệp. Khi sản xuất được phát triển theo chuỗi sẽ hỗ trợ đắc lực cho người dân tiêu thụ sản phẩm đồng thời ứng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nhằm khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”.
Tùng Lâm