Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học được triển khai trên địa bàn huyện Triệu Phong từ năm 2016, hiện đã thu hút trên 300 hộ tham gia, trên địa bàn 5 xã. Nuôi gà theo phương pháp mới đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn, nhưng mang nhiều lợi ích so với phương pháp nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp.
Mang lại giá trị kinh tế cao
Cũng giống như nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Triệu Tài, gia đình anh Nguyễn Thắng Tuyển sau gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi gà đã có những thành công nhất định khi triển khai mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học vào năm 2014.
Nuôi gà an toàn sinh học trên đất cát Triệu Phong đang cho hiệu quả tích cực (Ảnh TL). |
Anh Tuyển cho hay trước đây gia đình anh và nhiều hộ nuôi gà trong vùng vẫn chủ yếu nuôi gà theo phương pháp truyền thống. Việc kiểm soát chất lượng đầu vào không được chặt chẽ, thức ăn cho gà hoàn toàn bằng cám công nghiệp. Do đó chất lượng thịt không đảm bảo, dịch bệnh thường xuyên xảy ra...
Phải đến năm 2017, khi được tạo điều kiện tham gia tổ hợp tác chăn nuôi xã Triệu Tài, gia đình anh Tuyển mới bắt đầu áp dụng phương pháp chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, tuân thủ quy trình chăn nuôi VietGAP, thân thiện môi trường.
Với sự đồng hành của tổ hợp tác, bắt đầu từ nuôi vài trăm con, đến nay gia đình anh Tuyển đã xây dựng thành công hệ thống trang trại với quy mô trên 4.000 con. Mỗi năm gia đình xuất bán thành công 10.000 – 20.000 con gà đồi thương phẩm, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/năm.
Cũng có được thành công tích cực từ trang trại nuôi gà quy mô hơn 3.000 con/năm, bà Mai Thị Loan, xã Triệu Sơn, cho biết khi đưa gà giống về, gia đình bà chủ yếu cho ăn các loại thức ăn tự nhiên, thân thiện môi trường như bột bắp, đậu nành, gạo, lúa.
Sau một thời gian, gà lớn lên thì bà chuyển sang cho gà ăn ốc, bèo, rau xanh, tuyệt đối không dùng thức ăn công nghiệp.
“Để giúp gà phòng chống dịch bệnh, tôi ngâm tỏi vào rượu rồi hòa vào nước cho đàn gà uống hàng ngày. Sau 2 năm nuôi gà theo cách không kháng sinh, không chất cấm, phòng trị bệnh cho gà bằng thảo mộc, tôi thấy đàn gà lớn rất nhanh. Đặc biệt, không có dịch bệnh, sản phẩm trứng, thịt được thị trường ưa chuộng, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình", bà Lài phấn khởi nói.
Tiếp tục nhân rộng
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong, sau hơn 5 năm triển khai, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh thái với sự đồng hành của các ban ngành chức năng, đặc biệt là hỗ trợ của dự án KOICA - Hàn Quốc và Tổ chức Tầm nhìn thế giới đang cho thấy hiệu quả tích cực.
Với hiệu quả cao, mô hình nuôi gà an toàn sinh học sẽ tiếp tục được nhân rộng (Ảnh TL). |
Hiện, mô hình đang được triển khai, cho hiệu quả cao trên địa bàn 5 xã Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Thượng và Triệu Trạch. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình đang cho thấy tính ưu việt về môi trường sinh thái.
Điểm nổi bật của mô hình nuôi gà an toàn sinh học trên địa bàn huyện là dựa trên cách chăn nuôi truyền thống nhưng có áp dụng khoa học và đầu tư thâm canh. Các loại thức ăn cho gà là lúa, cám, bột ngô... hoặc thức ăn hỗn hợp được trộn từ các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như bã đậu, bã sắn, xác mắm, cám...
Ưu điểm của các loại thức ăn hỗn hợp là có trong tự nhiên, không có chất kích thích tăng trưởng, không có thuốc kháng sinh, chất bảo quản nên có thể gọi là thức ăn sạch. Do đó, gà được nuôi theo phương pháp này cho thịt, trứng sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình, huyện sẽ chủ động hỗ trợ nhân rộng mô hình ra nhiều xã. Nâng cao vai trò liên kết của các HTX, tổ hợp tác nhằm nâng tầm quy mô sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh.
Để làm được điều này, huyện sẽ đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, kết nối thị trường tiêu thụ để người dân có chỗ bán thịt gà sạch. Khơi thông thị trường sẽ là một trong những yếu tố được huyện đặc biệt chú trọng, để giúp người dân yên tâm đầu tư chăn nuôi theo hướng khoa học, hiện đại, bền vững.
Nhật Minh