Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Tượng Sơn đã chủ động thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó xây dựng thành công các vườn rau sạch được trồng theo phương pháp canh tác tự nhiên, mang đến sự yên tâm cho người tiêu dùng.
Đẩy mạnh sản xuất hữu cơ
Sở hữu khu vườn rộng hơn 2.000m2, chị Hoàng Thị Thư (thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn) chia sẻ, để đảm bảo hiệu quả, gia đình chị chủ động quy hoạch sản xuất một cách bài bản, với vùng trồng cây ăn quả (600m2), vùng trồng rau màu, rau ăn lá (500 m2) và sản xuất các loại cây giống trong nhà lưới (100 m2).
Hiện, khu vườn của chị Thư có hệ thống tưới phun sương vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nước. Ngoài ra, phía trước vườn còn có 700 m2 ao nuôi cá, trước cổng có giàn vòm trồng các các rau quả vừa tạo bóng mát, vừa cho thu nhập ổn định.
Sản xuất hữu cơ mang lại sản phẩm có chất lượng vượt trội (Ảnh TL). |
Đáng chú ý, khu vườn của chị Thư gây ấn tượng mạnh nhờ phương thức canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, mà thay vào đó chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh hữu cơ, thân thiện môi trường, đảm cho cây được cung cấp chất dinh dưỡng một cách tự nhiên.
Phân bón hữu cơ được ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp, còn thuốc trừ sâu bệnh được tạo ra dựa vào các chất liệu tự nhiên trong chính vườn của gia đình như gừng, tỏi, ớt… Trên các vùng trồng rau hữu cơ và cây ăn quả… đều được treo các bẫy sâu bọ.
Cũng đang gặt hái nhiều thành công từ trồng rau hữu cơ, chị Trần Thị Vinh đang phát triển sản xuất trên tổng diện tích hơn 1.400 m2, chủ yếu trồng các loại rau, quả như mướp đắng, bí xanh, dưa chuột, rau mồng tơi, rau dền…
Theo chị Vinh, trước đây, mỗi khi phát hiện có sâu bệnh là gia đình chị lại sử dụng thuốc hóa học để phun, gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe. Đến nay, với phương pháp canh tác tự nhiên, gia đình dùng thuốc trừ sâu, bệnh được tạo ra từ gừng, tỏi, ớt... nên rất an toàn.
“Với cách canh tác sử dụng phân bón hóa học thì cây rau mặc dù rất xanh tốt nhưng lại không để được lâu, dễ bị héo nhũn. Trong khi trồng rau theo phương pháp canh tác tự nhiên, cây rau có màu xanh đẹp hơn, lâu hơn, sâu bệnh hại cũng ít hơn, khi đưa ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng”, chị Vinh chia sẻ.
Hình thành liên kết
Không chỉ “mạnh ai nấy làm”, nhiều hộ trồng rau trên địa bàn xã đã liên kết thành lập HTX nông nghiệp Hoàng Hà, phát triển mô hình trồng rau theo hướng hiện đại, hình thành liên kết chuỗi với doanh nghiệp thực phẩm.
Ông Bùi Đức Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX Hoàng Hà chia sẻ để đi đến thành công HTX đã định hướng sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn E-VietGAP, nhằm tạo ra nguồn rau an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Liên kết giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh (Ảnh TL). |
Năm 2019, HTX đã liên kết với CTCP Du lịch và Thực phẩm Sao Việt (Hà Nội) đưa sản phẩm tiêu thụ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Để tạo niềm tin cho các hộ dân yên tâm sản xuất, đầu mỗi vụ, HTX ký cam kết thu mua sản phẩm, đồng thời cho thành viên vay trước một phần giống, phân bón, vật tư nông nghiệp.
Nhờ trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sản lượng rau của HTX luôn đạt năng suất cao, mẫu mã đẹp, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 7 đến 15 triệu đồng/tháng cho thành viên.
Trên cơ sở những thành công đang có, đại diện UBND xã Tượng Sơn cho biết trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát huy vai trò của HTX Hoàng Hà, khuyến khích hình thành thêm các HTX mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người dân.
Đồng thời, xã tiếp tục hỗ trợ người dân trồng rau theo quy trình VietGAP và hữu cơ, hoàn thiện khâu kiểm định chất lượng, dán tem nhãn, từ đó nâng cao thương hiệu rau, củ hữu cơ Tượng Sơn trên thị trường.
Hưng Nguyên