Những năm qua, huyện Yên Mô luôn duy trì diện tích trên 1.500 ha cây vụ Đông các loại. Riên vụ năm 2020, huyện có 1.600 ha, tập trung chủ lực ở các xã Yên Thái, Yên Phong, Yên Lâm, Khánh Dương... vẫn duy trì ổn định diện tích gieo trồng với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Đổi mới sản xuất
Trên cánh đồng trồng rau hữu cơ của HTX Nông nghiệp Phúc Long, xã Yên Từ, hàng chục hộ nông dân đang hối hả thu hoạch khoai tây, cà chua và rau các loại. Người dân phấn khởi bởi năm nay tất cả các cây trồng đều cho năng suất cao và dễ tiêu thụ.
Sản xuất hữu cơ giúp cây vụ Đông ở Yên Mô cho giá trị cao (Ảnh TL). |
Triển khai 5 sào cà chua, ông Trần Văn Công, thành viên HTX Phúc Long, cho hay nhờ sự chủ động trong đổi mới phương thức sản xuất, cây vụ Đông năm nay cho năng suất và chất lượng cao, tạo sức cạnh tranh mạnh trên thị trường.
“Bên cạnh 5 sào cà chua, tôi trồng thêm hơn 1 sào rau các loại. Thị trường ổn định nên giá bán cao. Đơn cử như cà chua giá 7-8 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu vào, thu lãi trên 10 triệu đồng/sào. Tổng thu cây vụ Đông năm nay của nhà tôi có thể đạt trên mức 50 triệu đồng”, ông Công phấn khởi nói.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Phúc Long, ông Trần Xuân Nhắc cho biết, để có được những thành công hiện tại, những năm qua, các thành viên HTX đã chủ động đổi mới sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường.
Theo đó, trong quá trình sản xuất, HTX ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Các thành viên HTX được hướng dẫn sử dụng thiên địch để tiêu diệt côn trùng gây bệnh, điều chế thuốc trừ sâu sinh học từ tỏi, ớt, cách ủ hoai phân chuồng,…
Các loại bao bì, chai lọ cũng sạch bóng trên đồng ruộng, tập trung đúng nơi quy định, xử lý đúng cách để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng với xã Yên Từ, xã Yên Thái cũng đang là điểm sáng trong sản xuất vụ Đông của huyện Yên Mô trong nhiều năm nay. Các cây trồng đều cho năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Hiệu quả gia tăng
Theo thống kê của UBND xã Yên Thái, năm 2020, toàn xã đã gieo trồng hơn 128 ha cây Đông các loại, trong đó trên 50% được liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống.
Cây vụ Đông sẽ tiếp tục được huyện đầu tư phát triển theo hướng hữu cơ (Ảnh TL). |
Trong đó phải kể đến cây lạc, từ nhiều năm nay, Yên Thái đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lạc giống với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ. Vụ này diện tích cây lạc của xã được mở rộng lên tới hơn 42 ha.
Năng suất bình quân của lạc giống năm nay ước đạt 80 tạ lạc tươi/ha, Trung tâm thu mua với giá 2 triệu đồng/tạ lạc, như vậy giá trị sản xuất lạc Đông đạt 150 - 160 triệu đồng/ha.
Tính trên toàn địa bàn huyện, vụ Đông năm 2020 huyện gieo trồng trên 1.600 ha cây Đông các loại, đạt 100% kế hoạch. Trên địa bàn huyện có 10 HTX thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ngô ngọt, lạc, đậu tương rau xuất khẩu, khoai tây, ớt, hành, hẹ, ngải cứu… với quy mô khoảng 180 ha.
Các kết quả thực tế cho thấy, nhờ sự chủ động trong đổi mới sản xuất, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, các giống cây vụ Đông trên địa bàn huyện Yên Mô đang có tiềm năng lớn.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ thuật sản xuất cho người dân, đồng thời thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó tạo ra những sản phẩm sạch, chinh phục thị trường.
Huyện cũng dự kiến đẩy mạnh kết nối tiêu thụ, hoàn thiện hệ thống đóng gói, bao bì, nhãn mác… để tăng độ nhận diện cho sản phẩm, từ đó nâng tầm thương hiệu rau, củ, quả sạch Yên Mô.
Hưng Nguyên