Với mô hình nuôi trồng thủy sản cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, HTX nuôi trồng thủy sản Phú Thọ (xã Quảng Phú) đang nổi lên như một điểm sáng về phát triển kinh tế địa phương.
Nhờ sự hợp tác, liên kết cùng phát triển, đến nay, trên 90% các hộ thành viên HTX có doanh thu bình quân hơn 300 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ đạt 700 - 800 triệu đồng/năm. HTX trở thành “bệ đỡ” vững chắc, thúc đẩy quá trình sản xuất, bảo vệ quyền lợi cho các hộ thành viên.
Ông Đinh Viết Huy - Giám đốc HTX Phú Thọ, cho biết ngay từ khi thành lập, tôn chỉ hoạt động của HTX là “phát huy vai trò của tập thể để nâng cao thu nhập của các thành viên”. HTX đứng ra tổ chức sản xuất, phát triển sản xuất an toàn, xây dựng chuỗi giá trị, đồng thời tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, tìm kiếm hợp đồng liên kết từ doanh nghiệp.
Để phát triển sản xuất an toàn, bên cạnh đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, HTX đang chú trọng phát triển sản xuất an toàn, đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chất lượng nguồn nước.
Trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật trước và sau mỗi vụ, thường xuyên cập nhật các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, ATLĐ. Quá trình sử dụng thức ăn chăn nuôi, vận hành máy móc được HTX kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả, đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất.
Các HTX tại Lương Tài đang tạo sức bật kinh tế lớn |
Bên cạnh HTX Phú Thọ, mô hình HTX thủy sản còn được phát triển ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Lương Tài. Đến nay, huyện đang có 7 mô hình HTX thủy sản với sự tham gia của hàng trăm thành viên, lợi nhuận kinh tế hàng tỷ đồng.
Nhiều HTX đã khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xây dựng thành công mô hình sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ cho thành viên, người lao động như: HTX nuôi cá Bình Minh (xã Trừng Xá), HTX thủy sản An Trụ (xã An Thịnh), HTX thủy sản Phú Thọ (xã Quảng Phú)…
Ông Nguyễn Mạnh Hà - thành viên HTX An Trụ, chia sẻ: “Tham gia vào HTX là chuyển từ sản xuất tự phát sang sản xuất theo quy trình. Với sự hỗ trợ của HTX về cả kỹ thuật, giống, vốn, thức ăn trả chậm..., hiệu quả sản xuất gia tăng đáng kể, điều kiện làm việc, ATLĐ được nâng cao”.
Theo UBND huyện Lương Tài, các mô hình HTX thủy sản trên địa bàn đang là “chìa khóa” thúc đẩy việc chuyển đổi ruộng trũng, cải tạo ao hồ mặt nước gắn với phát triển thủy sản theo hướng thâm canh, chuyên canh. Toàn huyện hiện có gần 2.000ha nuôi trồng thủy sản, cho hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa.
Đang cho thấy những hiệu quả tích cực, tuy nhiên, các HTX thủy sản trên địa bàn huyện Lương Tài vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định. Vấn đề quy hoạch để sản xuất tập trung vẫn đang là “bài toán” khó của các HTX. Thị trường tiêu thụ vẫn chủ yếu do các HTX tự tìm kiếm, thương thảo. Yêu cầu về khoa học - kỹ thuật, ATLĐ tại một số HTX chưa hoàn thiện.
Những khó khăn trên đòi hỏi các cơ quan chức năng địa phương và tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường quan tâm, tạo điều kiện giúp các HTX từng bước tháo gỡ. Chỉ có như vậy, các HTX thủy sản ở Lương Tài mới thực sự trở thành “hạt nhân” liên kết nông dân khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng.
Thu Cúc