Các HTX đang thể hiện tốt vai trò “cầu nối” liên kết phát triển cà phê bền vững khi vận động nông dân cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế như UTZ Certified, 4C, thương mại công bằng. Đến nay, đã có hơn 297.000ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế với sản lượng trên 600.000 tấn cà phê nhân được chứng nhận.
Năm 2011, 48 hộ trồng cà phê tại xã Ea Kiết (huyện Cư M'gar) bắt tay thành lập HTX Nông nghiệp công bằng Ea Kiết, phát triển sản xuất cà phê theo hướng bền vững, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động (ATLĐ), mang lại giá trị kinh tế cao.
HTX hiện có 98 thành viên với 190ha cà phê, sản lượng đạt tiêu chuẩn an toàn xấp xỉ 600 tấn/năm. HTX đang có 100ha cà phê được Tổ chức Ghi nhãn Công bằng thương mại Quốc tế (FLO) khảo sát và cấp chứng nhận thương mại công bằng (Fairtrade).
Nhờ sản xuất an toàn, lợi nhuận hàng năm của thành viên HTX tăng thêm 25 - 30 triệu đồng/hộ. Năng suất tăng 10% - 15%, chi phí sản xuất giảm, giá cà phê nhân xô của HTX ổn định ở mức 2.700 USD/tấn, cao hơn 20 - 30% so với giá thị trường.
Giám đốc HTX Ea Kiết Nguyễn Văn Phúc cho biết: "Ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định cơ hội để tiếp cận với thị trường toàn cầu không chỉ nằm ở chất lượng sản phẩm, phương thức canh tác, đảm bảo ATLĐ, gìn giữ môi trường, mà còn là nguồn gốc sản phẩm".
Các HTX đang thể hiện vai trò tích cực trong liên kết phát triển cây cà phê theo chuỗi giá trị tại Tây Nguyên |
Tương tự, tại HTX công bằng Thuận An, để giúp nông dân trong vùng canh tác cà phê theo hướng bền vững, HTX đã đăng ký tham gia vào Hiệp hội Fairtrade. Đến nay, HTX có 98 thành viên với 190ha cà phê và sản lượng đăng ký đạt tiêu chuẩn sạch trên 600 tấn nhân, được mua với giá cao hơn thị trường từ 1.000 - 5.000 đồng/kg.
Đại diện HTX Thuận An cho hay, theo chuẩn Fairtrade, các thành viên phải tuân thủ chặt chẽ quy trình canh tác, kỹ thuật trồng cây che bóng, phun thuốc, bón phân, cắt cành, thời điểm thu hái (khi tỷ lệ quả chín đạt trên 90%), chế biến ướt trong 24 giờ...
HTX cũng đang đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất cà phê theo quy trình, đảm bảo quá trình sản xuất sạch, an toàn. Trong quá trình sản xuất, các quy định về ATLĐ cũng được HTX chú trọng triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho người sản xuất.
Để nhân rộng mô hình này, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, vận động người trồng cà phê tham gia vào HTX.
Đồng thời, hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất an toàn, bền vững, với các chứng chỉ cà phê cao cấp như 4C, VietGAP, UTZ Certified… Thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, đảm bảo các dịch vụ đầu ra như: thu mua, bảo quản, chế biến sản phẩm, tiếp thị.
Đặc biệt, để phát triển bền vững, các HTX cần thêm nhiều nguồn lực (vốn, nhân lực, khoa học - kỹ thuật,…) để nâng cao nội lực, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, từ đó đảm bảo hiệu quả kinh tế, nâng cao ATLĐ cho thành viên, người nông dân, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhật Minh