Dũng cảm thử thách bản thân
Nguyễn Trung Phương sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, gia cảnh nghèo, khó khăn. Sau khi tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, anh được nhận vào làm ở một công ty tại Nhật Bản với mức lương 2.000 USD/tháng. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, anh dời Nhật Bản trở về Việt Nam làm ở một số công ty khác.
Sản phẩm nông nghiệp sạch là hướng đi của anh Nguyễn Trung Phương (Ảnh: TL) |
Năm 2015, anh Phương quyết định trở về quê nhà, huy động anh em thuê 10 ha đất để xây dựng mô hình nông nghiệp sạch. Sau đó, HTX nông nghiệp Tứ Sơn Life được thành lập do anh Phương làm giám đốc.
Ý tưởng xây dựng chuỗi sản xuất rau, củ, quả sạch xuất hiện vào một lần anh Phương có cơ hội đi thăm quan đảo Phú Quý (Bình Thuận). Tuy sống trên một hòn đảo nhỏ nhưng đời sống kinh tế của người dân lại rất khá giả. Đặc biệt là việc sản xuất nông nghiệp sạch của đảo được địa phương quy hoạch thành vùng chuyên canh. Người dân trên đảo sống dựa vào nông nghiệp và trở nên giàu có, nông sản của họ cũng được cung ứng vào đất liền thường xuyên.
Sau lần đó, anh Phương tìm hiểu tài liệu trên mạng, trên báo và các phương tiện thông tin khác để tham khảo. Với ước muốn thay đổi vùng đất cát Tứ Sơn, anh đi đến quyết định thành lập HTX nông nghiệp Tứ Sơn Life để tập hợp những người cùng chung chí hướng.
“Trong khi nhiều HTX nông nghiệp đang trên bờ vực phá sản mà mình lại lựa chọn để tập trung xây dựng thì quả là điều khá mạo hiểm. Tuy nhiên, tôi mong muốn xây dựng một chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch dựa trên chính tiềm năng và lợi thế vốn có của vùng đất Tứ Sơn.
Thực tế nhiều năm qua, bà con trong thôn cũng đã sản xuất một số loại rau, thực phẩm sạch, nhưng không được quảng bá và không có đầu ra nên nguồn thu bấp bênh. Vì vậy, chúng tôi muốn thành lập HTX để bao tiêu sản phẩm cho bà con trong thôn”, anh Phương chia sẻ.
Thu nhập ổn định, góp phần bảo vệ môi trường
Lâu nay, đất nông nghiệp tại thôn Tứ Sơn luôn "nổi tiếng" là khô khốc và cằn cỗi, không thuận lợi như các vùng cát lân cận trong xã và huyện. Do lớp cát dày đặc, mạch nước ngầm nằm sâu nên việc tưới tiêu cho các loại hoa màu là vấn đề nan giải.
Giống bí đỏ Nhật Bản được trồng tại HTX nông nghiệp Tứ Sơn Life (Ảnh: TL) |
Trước những khó khăn đó, anh Phương đã xây dựng hệ thống tưới nước tiết kiệm, đồng thời đào ao nước nhỏ để tích nước. Nhờ có hệ thống tưới tiêu, vừa qua, gần 5 ha bí đỏ Kuriyama, đậu bắp Okura, khoai lang Beng Larula xanh tốt và cho năng suất cao. Đáng chú ý, các loại cây anh trồng đã được các công ty trên địa bàn Quảng Nam thu mua với giá cao.
Từ thành công ban đầu với các loại rau, quả sạch, anh Phương tiếp tục liên kết thêm 15 ha diện tích đất của bà con nông dân trong thôn để sản xuất bán cho các công ty.
Hiện, nông sản của anh Phương đã được các doanh nghiệp như Công ty Phương Đông (Điện Nam, Điện Ngọc), Công ty Hưng Trung Việt (Quảng Nam), Công ty Xuất nhập khẩu Việt Hoa (Núi Thành) chính thức ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đây là cơ hội lớn để anh có thể mở rộng diện tích trồng các loại rau, củ, quả sạch, từ đó liên kết với người nông dân tạo đầu ra ổn định.
Đồng thời, HTX đang có đàn bò tập trung với số lượng hơn 40 con. Trong quá trình hình thành mô hình, anh Phương cũng đã tạo việc làm ổn định cho 3 lao động tại địa phương với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng.
"Trước đây, cuộc sống gia đình tôi bấp bênh. Một phần cũng là do vùng đất Tứ Sơn khó có thể phát triển kinh tế. Tuy nhiên, từ khi tham gia liên kết với HTX, được bao tiêu sản phẩm đầu ra, đời sống gia đình đã ổn định, khấm khá hơn trước", chị Nguyễn Mơ, thành viên HTX phấn khởi cho biết.
Theo đó, mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp vườn, ao, chuồng sẽ hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, góp phần bảo vệ môi trường. Trước kia, để có phân bón cho rau, chị Mơ phải thuê người đi thu mua phân bò, hoặc phân trâu ở các hộ chăn nuôi. Hiện, với đàn bò đang nuôi, chị không phải bỏ tiền để mua phân, mà tự cung tự cấp ngay trong trang trại, tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.
Lãnh đạo xã Bình Trung nhận xét, mô hình HTX nông nghiệp Tứ Sơn Life do anh Nguyễn Trung Phương làm giám đốc đã phát huy hiệu quả trong việc cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn trước. Không những vậy, mô hình nông nghiệp sạch của HTX còn góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục động viên về tinh thần, giúp HTX tiếp cận các nguồn vốn vay của xã để mở rộng phát triển mô hình hơn nữa.
Ngọc Giang