Lĩnh vực chăn nuôi được coi là một trong 2 mũi đột phá của Hạ Hòa trong phát triển nông nghiệp. Vì vậy, huyện đã tích cực hỗ trợ chuyển đổi các mô hình chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang tập trung, hình thành các HTX, trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thu lợi ích kép
Hạ Hòa là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, có địa hình lòng chảo, thoải dần theo hướng Đông Nam, tạo ra các vùng sinh thái khác nhau (vùng đất bãi trong đê sông Thao, vùng đồi đất thấp, vùng đồi cao và đất núi).
Chăn nuôi tại huyện Hạ Hòa đang có chuyển biến tích cực theo hướng hàng hóa, quy mô lớn (Ảnh TL). |
Những đặc điểm về địa hình, thổ nhưỡng tạo nên những điều kiện thuận lợi để huyện Hạ Hòa phát triển toàn diện lâm, nông, ngư nghiệp, trong đó phải kể đến sự phát triển của ngành chăn nuôi.
Theo thống kê, tổng đàn bò thịt trên toàn huyện hiện đạt trên 5,5 nghìn con, trong đó tỷ lệ giống lai chiếm trên 87% tổng đàn; tổng đàn trâu có khoảng 4,8 nghìn con; tổng đàn gia cầm khoảng 1,4 triệu con; đàn lợn trên 65 nghìn con…
Bên cạnh hoàn thiện quy trình chăn nuôi, công tác xử lý môi trường cũng đang được các hộ nông dân, thành viên HTX quan tâm, đầu tư thực hiện.
Cụ thể, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã đã xây dựng hệ thống biogas, dùng men sinh học để xử lý chất thải, phần nào giảm bớt ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Ông Nguyễn Tấn Hiệp, thành viên HTX chăn nuôi xã Lâm Lợi chia sẻ: “Kể từ năm 2016 đến nay, tôi duy trì tổng đàn gia súc gần 200 con, trong đó có gần 150 con lợn và 50 con bò. Lợi nhuận bình quân đạt trên 200 triệu đồng/năm”.
Theo ông Hiệp, với số lượng gia súc, gia cầm lớn, nếu như không có hệ thống xử lý chất thải hợp lý thì chính gia đình sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, sau đó là đến hàng xóm láng giềng, dễ gây mất đoàn kết.
Do đó, khi bắt tay vào xây dựng trang trại, ông Hiệp chủ động xây dựng hệ thống biogas để vừa có thêm chất đốt, vừa giảm thiểu ô nhiễm. Ngoài ra, ông cũng tìm hiểu thêm các phương pháp xử lý chất thải an toàn với môi trường.
Tương tự, mô hình chăn nuôi tổng hợp theo hướng an toàn sinh thái của gia đình anh Đỗ Đức Nam, xã Động Lâm, đang cho lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm.
Hiện, trang trại của anh Nam đang tập trung vào nuôi gia cầm và thủy cầm sinh sản với 2.000 con gà bố mẹ, 300 con ngan bố mẹ để cung cấp trứng cho lò ấp của gia đình. Mỗi tháng, anh Nam xuất bán hơn 1 vạn con gà và 700 con ngan giống, với giá bán 10.000 đồng và 15.000 đồng/con. Ngoai ra, anh Nam cũng duy trì đàn lợn nái 10 con và 60 con lợn thịt.
Tăng đàn hiệu quả
Bên cạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản cũng đang là một lợi thế ở Hạ Hòa, do trên địa bàn huyện có diện tích mặt nước lớn có thể khai thác.
Nuôi cá lồng trên địa bàn huyện cũng đang cho giá trị kinh tế cao (Ảnh TL). |
Tổng diện tích nuôi thủy sản của Hạ Hòa hiện là 1.922 ha, trong đó 850 ha nuôi thâm canh, tỷ lệ con giống có chất lượng cao chiếm khoảng 60%.
Theo đó, huyện khuyến khích các hộ nuôi thủy sản theo hình thức thả thâm canh, bán thâm canh trên diện tích mặt nước vừa và nhỏ bằng các giống thủy sản có năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường như các loại cá: Diêu hồng, chép lai 3 máu, rô phi đơn tính; cá lăng, cá tầm...
Để đảm bảo giá trị bền vững, huyện đã khuyến khích các HTX, hộ nông dân áp dụng phương thức nuôi thả dải vụ, xen ghép. Thu hoạch được thực hiện theo hình thức “đánh tỉa, thả bù” tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; đồng thời xử lý tốt nguồn nước để không gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Hạ Hòa, trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện phát triển khá mạnh, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng cao, số lượng gia trại cũng tăng lên rõ rệt.
Sự phát triển của ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện những năm qua là bởi giá bán sản phẩm trên thị trường khá ổn định, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, người dân mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng đàn…
Trong thời gian tới, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân, HTX trong khâu phòng chống dịch bệnh, tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo các tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường.
Huyện cũng chỉ đạo chính quyền các địa phương có kế hoạch xây dựng, quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung cách xa khu dân cư để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đặc biệt, chú trọng xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là đối với các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn.
Nhật Minh