Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện đã chuyển đổi thành công gần 8.000 ha đất sản xuất khu vực đồng trũng, kém hiệu quả, sang trồng lúa kết hợp nuôi cá theo hướng an toàn sinh thái, tập trung ở các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống...
Sinh lời nhanh chóng
Xã Hoằng Tân, huyện Hoằng Hóa có 285 ha đất sản xuất nông nghiệp, song có tới hơn 100 ha nằm trong vùng trũng thấp, thường xuyên bị nhiễm mặn, ngập lụt, giá trị sản xuất rất thấp.
Mô hình cá - lúa cho giá trị cao, rất thích hợp cho các vùng đất trũng ở Thanh Hóa (Ảnh TL) |
Để nâng cao hiệu quả kinh tế tại các vùng trũng thấp, kể từ năm 2015 đến nay, xã Hoằng Tân đã chủ động vận động hỗ trợ các hộ dân, HTX, Tổ hợp tác trong vùng trũng thấp triển khai thực hiện mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá theo hướng an toàn sinh thái, thân thiện môi trường.
Kết quả sau hơn 5 năm triển khai cho thấy mô hình có chi phí đầu tư thấp, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, trong 1 năm có thể thực hiện nuôi gối vụ, cho thu hoạch nhiều lứa cá, lợi nhuận đạt từ 70 đến 80 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp nhiều lần trồng lúa 1 vụ.
Hiệu quả của mô hình đang tạo sức hút với người dân địa phương. Xuất phát với chỉ 12 hộ trong vụ đầu năm 2015, đến nay toàn xã đã có gần 100 hộ tham gia, tổng diện tích gần 80 ha. Không ít hộ còn mạnh dạn thả nuôi thêm tôm, cua để tăng hiệu quả kinh tế.
Anh Phạm Hữu Dũng, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xã Hoằng Tân, đang phát triển gần 2 ha trồng lúa kết hợp nuôi cá, cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Theo anh Dũng, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, anh cùng các thành viên Tổ hợp tác đã chủ động sản xuất theo quy trình hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, mô hình cá - lúa mang lại hiệu quả “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại, góp phần giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, làm đất.
Ngược lại, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá góp phần tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi thức ăn không bị tồn đọng, phân hủy.
Chuyên nghiệp hóa sản xuất
Cùng với Hoàng Hóa, Nông Cống cũng là huyện phát triển rất mạnh mô hình cá – lúa kết hợp. Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các xã như Thăng Long, Tế Lợi, Trung Chính, Minh Nghĩa... cải tạo mặt ruộng để phát triển mô hình này.
Mô hình cá - lúa sẽ được hỗ trợ phát triển theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường, nâng chất sản phẩm (Ảnh TL). |
Kết quả cho thấy, ngoài thu nhập từ cây lúa, 1 ha sản xuất còn cho năng suất 2 tấn cá/năm, lợi nhuận đạt từ 70 đến 80 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 đến 4 lần so với trước khi chưa thực hiện chuyển đổi.
Do chứng minh được hiệu quả kinh tế, các xã có diện tích trồng lúa nằm ở vùng sâu trũng trên địa bàn huyện Nông Cống đã khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn đầu tư cải tạo mặt ruộng, đẩy mạnh phát triển mô hình. Hiện, diện tích trồng lúa kết hợp với nuôi cá trên địa bàn huyện đã phát triển lên hơn 400 ha.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, mô hình cá lúa ngày càng chứng minh được sự phù hợp và hiệu quả kinh tế đối với điều kiện sản xuất tại các vùng đất trũng thấp trên địa bàn tỉnh.
Mô hình này không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, các hộ dân chỉ cần cải tạo khoảng 20% diện tích mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa là có thể tiến hành sản xuất mà không cần tốn nhiều chi phí đầu tư. Mô hình cũng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, tỷ lệ rủi ro thấp, lợi nhuận bình quân của mô hình đạt từ 50 đến 70 triệu đồng/ha/năm.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương nhân rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, an toàn sinh thái, thân thiện môi trường, đảm bảo giá trị bền vững.
Hưng Nguyên