Trong 3 năm qua, hàng chục hộ nông dân trên địa bàn xã Tân Hưng được hưởng lợi từ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng. Tham gia dự án, các hộ được hỗ trợ tập huấn nâng cao kỹ thuật, triển khai mô hình trồng nấm theo hướng an toàn sinh thái, cho thu nhập cao.
Điểm sáng mô hình trồng nấm
Bà Lê Thị Ánh, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp ấp Sóc Dong, xã Tân Hưng, được sự hỗ trợ từ địa phương đã chuyển đổi hơn 2.000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nấm rơm theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường.
Sản xuất sạch, thân thiện môi trường giúp các hộ thích ứng hạn mặn, nâng cao thu nhập (Ảnh TL). |
Sau gần 2 năm phát triển, hiện bình quân mỗi tháng, gia đình bà Ánh bán ra thị trường 1,2 - 1,5 tạ nấm rơm chất lượng cao, giá bán bình quân 70.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt trên 6 triệu đồng.
Bà Ánh chia sẻ: “Việc trồng nấm trong nhà theo hướng hữu cơ giúp chúng tôi chủ động về mùa vụ, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, thích ứng với tình trạng hạn mặn thường xuyên xảy ra, từ đó nâng cao giá trị sản xuất”.
Đặc biệt, trồng nấm hữu cơ trong nhà cũng giúp bà Ánh và thành viên Tổ hợp tác ấp Sóc Dong giảm thiểu chi phí thuốc bảo vệ thực vật, loại bỏ hóa chất độc hại, từ đó tăng chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo đại diện UBND xã Tân Hưng, nhận thấy tiềm năng của mô hình trồng nấm hữu cơ, thân thiện môi trường, thời gian qua, địa phương đã tích cực hỗ trợ, đưa nông dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các mô hình điểm.
Sau khi triển khai, các hộ sản xuất đều đánh giá mô hình trồng nấm tương đối dễ thực hiện, có thể trồng quanh năm. Không chỉ trồng trong nhà theo quy mô lớn, người dân có thể trồng trên đất ruộng, trong vườn cây, chỉ cần đảm bảo chất lượng sản phẩm thì sẽ có lãi.
Xã Tân Hưng hiện có hơn 10 hộ thực hiện mô hình trồng nấm rơm, đa số tập trung ở ấp Sóc Dong và đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực tế cho thấy nguồn cung hiện không đủ cầu, vì vậy tuân thủ quy trình sản xuất, biết cách giữ nước ngọt trong ao quanh nhà, đảm bảo nguồn nước tưới, mô hình dự kiến sẽ mang lại giá trị cao hơn trong tương lai.
Đa dạng mô hình sản xuất
Bên cạnh mô hình trồng nấm hữu cơ, trên địa bàn xã Tân Hưng còn có một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả thích ứng hạn mặn khác như trồng bắp, dưa leo, cây ăn quả…
Xã sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất điểm để nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh TL). |
Triển khai mô hình trồng bắp từ cuối năm 2019, ông Thạch Minh Tân cho biết, sau gần 2 năm phát triển, 6 công bắp của gia đình hiện đang phát triển tốt bất chấp những ảnh hưởng từ hạn mặn nhờ chủ động nguồn nước ngọt dự trữ.
“Hiện nay, giá bắp trái dao động 25.000 - 30.000 đồng/chục (14 trái). Sau khi trừ chi phí, chúng tôi có thể lãi 4 - 5 triệu đồng/công, cao hơn nhiều lần so trồng lúa và thời gian canh tác rút ngắn chỉ có 70 ngày/vụ. Với mô hình trồng bắp, người dân có thể tự tin thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giả”, ông Tân phấn khởi cho hay.
Cũng giảm đất lúa chuyển sang trồng màu, ông Nguyễn Hoàng Kiên hiện có 3 công dưa leo chất lượng cao chia sẻ: “Cái lợi của trồng dưa leo là thời gian thu hoạch ngắn, chỉ 32 ngày hái trái và 60 ngày là xong một vụ, do đó không quá lo ngại ảnh hưởng hạn mặn, thiếu nguồn nước tưới. Năng suất dưa leo đạt 3 - 4 tấn/công, bán 5.000 đồng/kg trở lên thì nông dân chắc chắn có lãi…”.
Theo UBND xã Tân Hưng, mấy năm nay, hạn mặn đến sớm và liên tục ảnh hưởng tiêu cực, vì vậy xã đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất theo hướng giảm đất lúa để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho nông dân.
Cụ thể, ngành nông nghiệp xã đã và đang tập trung vận động nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những cây thích nghi điều kiện hạn mặn và cho hiệu quả kinh tế cao như trồng nấm, dưa leo, ngô, gấc, dừa sáp, cam sành…
Trong quá trình chuyển đổi, xã khuyến khích các hộ nông dân tham gia vào các HTX, tổ hợp tác để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực sản xuất, tăng vị thế cạnh tranh thị trường.
Việc tham gia vào các HTX, tổ hợp tác giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ, để từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, kết nối tốt hơn với thị trường để ổn định giá bán.
Nhật Minh