Vài năm trước ở Mai Sơn, cây ngô, cây sắn hầu như chiếm hết các sườn đồi và được coi là cây xóa nghèo. Mở rộng diện tích trồng tràn lan đồng nghĩa với rất nhiều cánh rừng đã bị phá, nhưng khi cây ngô mất giá, nông dân lại phải bỏ đất hoang. Đứng trước bất cập đó, tỉnh Sơn La chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, như luồng gió mới làm thay đổi nhận thức của người nông dân.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Ông Vì Văn Bình, Giám đốc HTX kể lại: Gia đình ông có có 5 ha đất nương, trước đây chỉ trồng ngô, sắn nên làm ăn rất chăm chỉ nhưng mãi vẫn không khá lên được. Cuối năm 2017, Đoàn công tác của huyện Mai Sơn về bản, động viên gia đình ông và một số hộ dân trong bản thành lập HTX, chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực trên đất dốc sang trồng cây ăn quả.
Vườn bưởi trồng trên đất dốc của thành viên HTX |
Dù lúc đó chưa hiểu lắm về mô hình HTX, nhưng người dân nghe nói có thể hỗ trợ nhau làm giàu được, nên mọi người bàn bạc và thống nhất cùng nhau thành lập HTX. Hiện nay, HTX có 12 ha chuyên trồng các loại cây: nhãn, xoài, bưởi, bơ, mận hậu và chanh leo.
Năm vừa qua, vườn cây ăn quả mới bắt đầu cho thu hoạch của gia đình ông Bình đã thu 6 tấn nhãn, 4 tấn xoài, 3 tấn mận, 40 tấn chanh leo. Tính chung theo giá thị trường, gia đình ông bán tại vườn cũng được hơn 500 triệu đồng, trừ hết mọi chi phí còn lãi trên 300 triệu đồng.
Thành quả này chính là nhờ ông Bình cũng như các thành viên khác trong HTX được cán bộ Sở NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện và cán bộ khuyến nông xã thường xuyên đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm ATLĐ, kỹ thuật cắt tỉa, vệ sinh vườn, phục hồi cho cây sau thu hoạch.
Hiện, 100% thành viên của HTX đều sử dụng các loại máy móc trong khâu chăm sóc cây ăn quả; áp dụng quy trình kỹ thuật trong tỉa cành, ghép mắt, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”... Quá trình chăm sóc, thu hoạch đều áp dụng theo quy trình VietGAP.
Các loại cây nhãn, xoài, bưởi, bơ, mận hậu và chanh leo được trồng thay thế ngô, sắn |
Cùng với đó, các thành viên HTX được huyện, xã tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn về ATLĐ; đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của các HTX có thu nhập cao, tạo niềm tin và điều kiện để các thành viên huy động nội lực và vay vốn ngân hàng, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả...
Tìm cánh tránh phụ thuộc “nước trời”
Trong quá trình hoạt động, HTX đã được các cơ quan chức năng hướng dẫn làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cây ăn quả để thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ đó, sản phẩm các loại quả của HTX luôn được khách hàng đánh giá cao, có sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên địa bàn.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của HTX là diện tích cây ăn quả đều trồng trên đất dốc, mùa ra hoa, đậu quả của các loại cây đều vào mùa khô, trong khi hầu hết diện tích vẫn phụ thuộc nguồn “nước trời”.
Vì vậy, HTX rất cần vốn để khoan giếng, đầu tư đường điện, đường ống dẫn nước để làm hệ thống tưới ẩm tự động. Cùng với đó, người dân ở bản Bó Lý cũng đã đăng ký trình xã, huyện hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn tới vùng sản xuất.
Để giúp đỡ và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và xã cần xem xét, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước; hỗ trợ xi măng làm đường bê tông để người dân trong bản vận chuyển vật tư và nông sản dễ dàng, thuận tiện, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Thu Huyền