Là địa phương có thể mạnh về phát triển lâm nghiệp nên dược liệu cũng là tiềm năng của tỉnh. Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái cho thấy, đất đai và khí hậu của Yên Bái phù hợp với nhiều loài dược liệu. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng trên 630 loài cây thuốc chữa bệnh. Nếu dược liệu được đầu tư và phát triển đúng cách sẽ giúp phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương và hỗ trợ trực tiếp vào nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.
HTX bắt tay doanh nghiệp
Nắm được điều này, người dân xã Đông An, huyện Văn Yên đã liên kết sản xuất dược liệu theo mô hình HTX. Theo đó, HTX Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn không chỉ đứng ra trồng dược liệu mà còn thực hiện bao tiêu dược liệu cho người dân, thành viên để chế biến sâu thành cao, trà và bột từ cây cà gai leo, mang lại giá trị kinh tế cao.
Đến nay, HTX đã liên kết với 60 hộ dân trồng cà gai leo tại 4 xã của huyện Văn Yên và huyện Yên Bình, với tổng diện tích trên 10 ha, mỗi năm cho sản lượng ổn định khoảng 80 tấn.
Ông Phạm Văn Chiến, Giám đốc HTX cho biết việc sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dược liệu được HTX liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp ngành dược để bảo đảm quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi năm, HTX xuất ra thị trường khoảng 6.000 lọ cao cà gai leo cùng nhiều sản phẩm cao bột và nguyên liệu thô khác, đem lại doanh thu khoảng 2-3,8 tỷ đồng/năm. Điều đó đã giúp các thành viên có thu nhập ổn định, yên tâm sản xuất để tiếp tục mở rộng diện tích và thâm canh, tăng năng suất.
Tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, HTX dược liệu Lũng Lô cũng đang hoạt động khá hiệu quả. Theo đó, HTX đã liên kết với các hộ dân xã Thượng Bằng La trồng trên 20 ha cây dược liệu các loại như đương quy, hoài sơn, sâm bố chính, hy thiêm... cho năng suất vượt trội so với trồng nơi khác.
Đặc biệt, HTX đã ký hợp đồng lâu dài với nông dân, chịu trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thô cho người dân theo giá thị trường. Mô hình liên kết này đã tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người dân tham gia.
Nhiều thành viên, hộ dân trong xã đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí từ trồng dược liệu và tham gia HTX. Còn người lao động làm việc tại HTX cũng có mức thu nhập ổn định 10 triệu đồng/người/tháng.
Nâng cao thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo
Với sự vào cuộc tích cực của người dân, HTX, doanh nghiệp và định hướng của tỉnh, đến nay Yên Bái đã mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hoá có ưu thế lên đến 4.100ha.
Dược liệu được đánh giá là mang lại giá trị kinh tế cao nên đang hỗ trợ đắc lực người dân trong việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Bà Bùi Thị Sơn (xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên) cho biết với tổng diện tích gần 2.000m2 đất trồng cây khôi tía, trung bình 1,5 tháng gia đình bà thu hoạch lá 1 lần với khoảng 60kg lá khô/đợt. Với giá bán ổn định cho các HTX, công ty dược trong nước từ 250 - 300 ngàn đồng/kg, gia đình bà thu về gần 150 triệu đồng/năm.
Quế là một trong những cây dược liệu được quan tâm đầu tư tại Yên Bái. |
Không chỉ làm giàu từ việc trồng cây khôi tía, gia đình bà còn nghiên cứu thành công phương pháp giâm cành, giúp nhân giống một cách hiệu quả nhất. Hàng năm gia đình bán từ 3.000 - 5.000 cây giống với giá 12.000 đồng/cây, cho thu nhập từ 35 - 60 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình bà đã là một trong những hộ thoát nghèo hiệu quả từ phát triển cây dược liệu ở Cường Thịnh.
"Từ khi đưa cây khôi tía vào trồng, kinh tế gia đình khá hơn. Trồng loại cây này có thị trường tiêu thụ, giá cả ổn định mà tốn ít công chăm sóc, thu hoạch. Thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích”, bà Sơn chia sẻ.
Còn tại HTX Quế Hồi Đào Thịnh, nhờ phát triển trồng quế theo hướng hữu cơ và chú trọng sơ chế, chế biến, liên kết với doanh nghiệp mà HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu lên đến 700ha, xây dựng nhà máy sản xuất quế hữu cơ với công suất trên 100 tấn quế/tháng. Sản phẩm đều đảm bảo chất lượng và xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… với sản lượng trên 2.000 tấn/năm.
Nhờ có HTX đứng ra làm nòng cốt hỗ trợ người dân từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm mà Đào Thịnh từ một xã thuần nông, người dân chủ yếu sống bằng trồng lúa, trồng ngô và cây dâu tằm thì vài năm trở lại đây đã phát triển được trên 800 ha quế. Chuỗi giá trị cây quế đang góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho địa phương. Đến nay, Đào Thịnh không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm xuống còn 1,05%.
Có thể thấy dược liệu đang phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả tại Yên Bái. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển dược liệu, Yên Bái đã chú trọng hỗ trợ người dân tham gia HTX. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 600 HTX. Ngoài các HTX chuyên sản xuất dược liệu thì các HTX du lịch, lâm nghiệp… cũng đang góp phần tích cực vào phát triển và tìm đầu ra cho cây dược liệu tại địa phương.
Yên Bái cũng mời gọi các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu, các nhà khoa học trong, ngoài nước thông qua liên kết kinh tế và các chương trình khuyến nông, các dự án khoa học công nghệ của các bộ, ngành trung ương để phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Trợ lực sản xuất trên quy mô lớn
Đến nay, dược liệu đã được xác định là cây hàng hóa chủ lực của địa phương, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Yên Bái còn 12,92%. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 3,76% xuống còn 9,16%. Trong đó không hiếm gia đình giảm nghèo thành công nhờ trồng dược liệu, tham gia các HTX làm dược liệu hoặc liên kết với doanh nghiệp chế biến.
Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu theo hướng hàng hóa của Yên Bái còn gặp những khó khăn nhất định. Ông Phạm Văn Chiến, Giám đốc HTX sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn cho biết, điều trăn trở nhất đối với người dân là dược liệu làm thuốc ở Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa có quy hoạch tổng thể cũng như chính sách phù hợp, chưa có sự liên kết của Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, muốn nâng cao giá trị cho dược liệu cần có công nghệ sơ chế, bảo quản, chiết xuất và tổng hợp hoạt chất dược liệu phù hợp. Vậy nhưng hiện nay do nguồn vốn có hạn nên việc đầu tư máy móc của HTX, người dân mới ở mức độ nhất định.
Ngoài ra, xét trên tổng thể, việc rà soát, thống kê, điều tra, nghiên cứu đánh giá về tiềm năng, chủng loại dược liệu trên các cánh đồng lớn chưa thực sự được ngành chức năng quan tâm thấu đáo. Diện tích dược liệu trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng nhưng ở nhiều xã, huyện còn phân tán, chủng loại còn nghèo nàn. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tuy đã tích cực nhưng kết quả còn hạn chế, chưa bền vững…
Do đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp phát triển dược liệu quy mô lớn gắn với sơ chế, chế biến tại chỗ để nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, trồng và phát triển dược liệu cũng cần có nguồn vốn lớn nên tỉnh sẽ kết hợp các nguồn hỗ trợ, dự án để bà con nông dân, HTX có thể phát triển mạnh, giải quyết vấn đề nhỏ lẻ và manh mún.
Minh Nhương