Ngoài cao nghệ đen, xã Thạch Yên còn có sản phẩm rượu mía và rượu nếp râu. Những sản phẩm này đang góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân trong xã nhờ đầu tư sản xuất theo mô hình HTX.
Đa dạng hóa sản xuất
Cụ thể, xã đã thành lập HTX Thạch Yên để hỗ trợ người dân làm kinh tế. Dựa trên tiềm năng về vùng nguyên liệu lúa nếp nương của người Mường xã Thạch Yên, HTX tiến hành thu mua, chế biến thành rượu nếp và chú trọng đầu tư nhãn mác, bao bì. Ngoài rượu nếp, HTX cũng đứng ra thu mua nghệ để sản xuất cao nghệ đen và mở rộng thêm sản xuất sản phẩm rượu mía.
Điều thuận lợi của HTX là nhận được sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền địa phương và Liên minh HTX Việt Nam trong việc kết nối các kênh tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, các sản phẩm của HTX làm ra có đầu ra khá thuận lợi, được nhiều người biết đến. Gần đây, cả ba sản phẩm của HTX đã được lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP của huyện Cao Phong.
Ngoài HTX Thạch Yên, trên địa bàn xã còn có HTX dịch vụ nông nghiệp và du lịch Đất Mường. HTX ra đời nhằm kết nối và giúp đỡ người dân duy trì và phát triển tập quán nuôi lợn cũ thành quy mô chăn nuôi lớn hơn. Các thành viên trong HTX cũng chú trọng tìm đầu ra và bao tiêu sản phẩm cho người dân, giúp họ vừa phát triển kinh tế vừa gìn giữ được bản sắc dân tộc. Đến nay, HTX đã mang sản phẩm thịt lợn sạch, tươi ngon nhất của vùng núi Hòa Bình đến bếp ăn của nhiều gia đình.
Hiện, hai HTX Thạch Yên và HTX Mường Đất không chỉ dừng ở phát triển sản xuất mà còn phát triển du lịch. Điều kiện thuận lợi là xã có nhiều tài nguyên tự nhiên thu hút khách như thác Tải Đai, ruộng bậc thang, nhà sàn bản địa, rừng nguyên sinh cùng các sản phẩm đặc trưng do các HTX sản xuất.
Chính vì vậy mà điều kiện kinh tế xã hội và cuộc sống người dân đã được nâng lên. Từ một xã thuộc diện 135, khó khăn của huyện với tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, nằm cô lập, không liên thông với các xã khác, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 16% và hộ cận nghèo còn 23%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 30 triệu đồng/năm. Nhiều hộ chủ động tham gia hoặc liên kết với các HTX hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô, vườn tạp sang trồng cam, mía, lúa nếp nương, nuôi lợn để nâng cao thu nhập.
Trồng mía tím kết hợp với chế biến, xuất khẩu đang là hướng giảm nghèo, nâng cao thu nhập hiệu quả của nhiều hộ gia đình tại huyện Cao Phong. |
Còn tại xã Bắc Phong, người dân tộc Dao vốn có truyền thống sản xuất nghệ đen nhưng theo cách tự sản, tự tiêu hoặc tự làm các loại thuốc chữa bệnh dân gian. Đến, nay, xã đã có HTX Ngọc Sáng đứng ra nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất sản phẩm cao nghệ đen xuất bán ra thị trường. HTX cũng liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu nghệ đen với diện tích hơn 10 ha để ổn định chế biến. Đây cũng là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Cao Phong.
Ngoài trồng nghệ, xã còn phát triển trồng cam để nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, cam đã được công nhận tiêu chuẩn VietGAP nên đầu ra rộng mở, đời sống của những hộ trồng cam cũng ổn định, thu nhập cao hơn. Nhiều nhà đã thoát nghèo, mua được ô tô và các đồ dùng có giá trị. Có thời điểm, người dân có thể thu về trung bình 1 tỷ đồng/ha. So với thu nhập từ các cây khác, cây cam đang được cho là mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân trong xã.
Tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân của người dân Bắc Phong đạt 42 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 6,86%, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 99% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Hướng đến giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,99%
Thạch Yên, Bắc Phong là 2 xã đông đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Cao Phong nhưng đã có những thay đổi nhất định trong phát triển kinh tế hàng hóa, giảm nghèo. Để có được điều này, ngoài coi cam, quýt là cây mũi nhọn để người dân giảm nghèo, huyện còn phát triển đa dạng các ngành nghề như xây dựng, trồng mía, nghệ, làm du lịch, chăn nuôi… nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa gắn với phát triển du lịch, từ đó nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy giảm nghèo.
Ông Hà Văn Di, Bí thư Huyện ủy Cao Phong cho biết, huyện đã và đang tập trung mọi nguồn lực để tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo bền vững qua các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp tại địa phương.
Trong đó, huyện đã hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ liên kết sản xuất… của Nhà nước. Đặc biệt, các tổ hợp tác, HTX trong huyện đang đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, liên kết sản xuất cũng như kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên khi có sản phẩm.
Đối với Đề án Tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025, trong quá trình triển khai thực hiện, các HTX, tổ hợp tác không chỉ thực hiện kết nối tiêu thụ mà còn liên quan đến cung cấp vật tư đầu vào cho các thành viên, người dân. Điều này giúp giảm chi phí và nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm ổn định với giá cao hơn. Vì vậy, khi thành lập các HTX, tổ hợp tác ở các xã trong huyện đều bám sát đề án này nhằm đảm bảo hiệu quả tối đa trong thực hiện.
Đối với hoạt động du lịch, để huyện Cao Phong trở thành điểm đến hấp dẫn, chính quyền địa phương đang phát huy có hiệu quả vai trò của tổ chức Hội, HTX huy động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, HTX kinh doanh du lịch trên địa bàn tích cực tham gia các hoạt động đầu tư phát triển du lịch. Huyện cũng phối hợp, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia các chương trình liên kết hợp tác, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ người dân đào tạo nguồn nhân lực du lịch, xây dựng sản phẩm đặc trưng để thu hút khách, mở rộng đầu ra cho nông đặc sản địa phương.
Chính vì vậy mà đời sống người dân trong huyện đang được nâng cao, đầu ra nông sản hàng hóa cũng khá thuận lợi. Theo thống kê của UBND huyện, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2022 đạt 56 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực khi ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 38%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 31,7%; dịch vụ du lịch chiếm 30,3%. Mục tiêu của huyện là đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người sẽ nâng lên 59 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 6,69% (giảm 3,44% so với năm 2021). Năm 2023, huyện hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,99% (giảm 1,7% so với năm 2022). Tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn năm 2022 giảm bình quân 9,06%, năm 2023 ước giảm bình quân 6%.
Vượt thách thức
Dù đạt được những kết quả khả quan trong giảm nghèo nhưng thực tế cho thấy, Cao Phong vẫn gặp không ít khó khăn trong việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và hướng đến giảm nghèo bền vững.
Cụ thể là điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã, xóm vùng 135, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì là huyện miền núi, địa hình nhiều đồi núi nên diện tích đất sử dụng để canh tác ít. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt dẫn đến mất mùa, sản lượng nông nghiệp thấp cùng với tình hình dịch bệnh phức tạp, lạm phát tăng cao nên người dân, HTX gặp không ít khó khăn trong sản xuất.
Bà Vũ Thị Lệ Thuỷ, Giám đốc HTX 3T Cao Phong (thị trấn Cao Phong) cho biết, HTX có 184 hộ thành viên, trong đó có 50% là đồng bào dân tộc thiểu số và 70% là người nghèo, cận nghèo và thoát nghèo. Lúc đầu sản xuất theo hướng hàng hóa và hữu cơ, HTX cũng gặp không ít khó khăn trong nâng cao nhận thức, thu hút người dân vào HTX.
Còn hiện nay, trong quá trình đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử, HTX phải đối diện với không ít khó khăn. Do thành viên có đến một nửa là người dân tộc thiểu số và 70% là người nghèo, cận nghèo và thoát nghèo, nên kiến thức về công nghệ gần như là bằng 0, chưa khai thác, sử dụng các nền tảng số một cách hiệu quả. Chính vì vậy, HTX mong muốn tiếp tục được các ngành chức năng hỗ trợ để người dân tiếp cận và sử dụng công nghệ hiệu quả, giúp tận dụng thương mại điện tử một cách tốt nhất trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Trước những khó khăn trên, để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và tạo sự chuyển biến toàn diện ở các xóm, xã đặc biệt khó khăn, huyện sẽ tiếp tục gắn giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới để huy động được đa dạng các nguồn lực.
Ông Hà Văn Di cho biết huyện chú trọng bố trí nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn đối ứng của các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các xã thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Huyện cũng đẩy mạnh đào tạo, hỗ trợ người dân, nhất là hộ nghèo trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số thông qua huy động nguồn xã hội hóa thực hiện các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể là trong đào tạo, huyện sẽ chú trọng đến hỗ trợ đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực để người dân, HTX có thể tự vận hành được hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người dân, HTX hoàn thiện các sản phẩm chế biến theo các tiêu chuẩn để xuất khẩu sẽ giúp hạn chế tình trạng được mùa mất giá, từ đó kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững.
Tùng Lâm