Quỳnh Lưu vốn có khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi. Chính vì vậy, để phát triển rau màu có giá trị kinh tế cao, người dân nơi đây thời gian qua đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ để thích ứng với thời tiết, nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng rau màu.
Sản xuất quy mô lớn
Tiêu biểu như HTX sản xuất, tiêu thụ rau Phú Lương là mô hình đầu tiên trên địa bàn xã Quỳnh Lương thực hiện trồng rau màu theo tiêu chuẩn an toàn. HTX trồng đa dạng các loại rau theo mùa, quy trình sản xuất, giám sát được thực hiện chặt chẽ từ sử dụng nước tưới, đất, phân bón, đến khâu đóng gói sản phẩm… Chính vì vậy mà rau của HTX luôn đảm bảo đúng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo được niềm tin của người tiêu dùng, đầu ra ổn định. Rau của HTX đã và đang được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị và cũng được nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu, từ đó giúp lợi nhuận từ cây rau tăng khoảng 10-15%.
Các thành viên, người lao động trong HTX có thể gắn bó với nghề trồng rau với thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng; riêng các hộ chuyên trồng hành hoa có thể đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Từ đó, nhiều hộ thành viên trong HTX nay đã có xe ô tô bán tải để thu mua, vận chuyển rau màu đi tiêu thụ một cách thuận lợi, chủ động.
Cũng đầu tư trồng rau màu, HTX kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Diêm nghiệp xã Quỳnh Minh đang giúp người dân, thành viên nâng cao thu nhập và giảm nghèo hiệu quả.
Với gần 1.000 thành viên, thực hiện sản xuất trên quy mô toàn xã, HTX Quỳnh Minh có thể cung cấp số lượng lớn rau màu cho thị trường và trở thành đầu mối cung cấp rau cho các đại lý, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh.
Theo tính toán của HTX, trung bình mỗi năm, HTX có thể cung ứng ra thị trường 10-12 nghìn tấn rau các loại. HTX cũng đã cung ứng rau màu sang các tỉnh lân cận và cả thị trường Hà Nội, Huế, Đà Nẵng. Từ đây, các thành viên trong HTX yên tâm sản xuất và có mức thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ liên kết bao tiêu thuận lợi, HTX Quỳnh Minh đã hỗ trợ đầu ra cho nhiều hộ nông dân trong xã một cách ổn định, từ đó tình trạng được mùa, rớt giá được giảm thiểu.
Nhận thức được vai trò của khoa học công nghệ, HTX đã cùng địa phương hoàn thiện hệ thống thủy lợi, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Đi liền với đó là đầu tư công nghệ tưới hiện đại, giảm sức lao động cho người dân. Hiện, 100% diện tích đất sản xuất cây rau màu hàng hóa của HTX được tưới theo hệ thống phun sương tự động và bán tự động.
Không chỉ dừng ở sản xuất thông thường, HTX Quỳnh Minh còn đầu tư nhà màng, nhà lưới trồng dưa lưới theo quy trình xanh. Đến nay, dưa lưới của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Và trong năm 2023, HTX Quỳnh Minh được công nhận là đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đóng góp không nhỏ vào nâng cao thu nhập cho người dân
Nhờ phát triển trồng rau màu theo hướng hàng hóa, thu nhập bình quân đầu người xã Quỳnh Minh tăng dần qua các năm: Năm 2021 đạt 45 triệu đồng, năm 2022 đạt 49,5 triệu đồng và dự tính đến hết năm 2023 sẽ đạt 54 triệu đồng. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của xã duy trì dưới 0,7%, đời sống nhân dân ổn định, ấm no.
![]() |
Trồng rau màu cho thu nhập trung bình lên đến 250 triệu đồng/năm. |
Cũng phát triển trồng rau hàng hóa, những năm gần đây, người dân xã Quỳnh Bảng không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ tưới để trồng rau an toàn. Đến nay, xã có khoảng 250 hộ thực hiện trồng rau VietGAP, khoảng 150ha trồng rau quanh năm. Cây rau màu được đánh giá là cho thu nhập cao, giúp người dân có thể mang về khoảng 200 triệu đồng/năm, là nguồn thu khá ổn định mà người dân không phải đi làm xa quê hương.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Có thể thấy, nhiều xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã phát triển được những vùng trồng rau rộng lớn, mang lại thu nhập khá cho người dân. Điều này cũng khẳng định trồng rau là một nghề ổn định, giúp người dân nâng cao thu nhập một cách hiệu quả.
Theo thống kê, huyện Quỳnh Lưu hiện đã có hơn 700 ha chuyên canh rau màu các loại. Ít người biết rằng, nơi đây từng là vùng đất cát cằn cỗi, nhiễm mặn, các giống cây trồng, hoa màu kém phát triển.
Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, nhờ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nên diện tích rau không ngừng mở rộng, Quỳnh Lưu trở thành vựa rau màu lớn nhất tỉnh.
Điều đặc biệt là không chỉ dừng lại ở sản xuất rau an toàn, nhiều địa phương đã nâng cấp, đầu tư những diện tích rau màu nhất định theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất bền vững, nâng cao giá trị kinh tế.
Điển hình như HTX nông nghiệp tổng hợp xã Quỳnh Bảng đã thực hiện mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất rau hữu cơ trên diện tích 5 ha và có 5 hộ thành viên tham gia.
Khi thực hiện mô hình này, quy trình sản xuất của HTX được giám sát chặt chẽ bởi các ngành chức năng. Sau 3 năm nỗ lực, đến cuối năm 2021, diện tích rau của HTX đã đạt chứng nhận hữu cơ. Điều thuận lợi là khi tham gia mô hình này, các thành viên đã nâng cao ý thức, kỹ năng sản xuất rau màu theo hướng bền vững. Sản xuất rau hữu cơ đạt sản lượng từ 60 - 70 tấn/hộ/năm, giá bán ra thị trường cũng cao hơn.
Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm hữu cơ lớn nên HTX Quỳnh Bảng đã mở rộng thêm 2 ha rau hữu cơ, đồng thời thực hiện sản xuất đa dạng rau củ quả để thuận lợi trong khâu tiêu thụ.
Không chỉ nâng cao quy trình sản xuất, người dân huyện Quỳnh Lưu còn thuần hóa giống rau màu, đầu tư giống mới để nâng cao hiệu quả kinh tế, đưa sản xuất thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của địa phương cũng như biến đổi khí hậu.
Tiêu biểu như HTX Rau nhót xứ Nghệ đã phát triển cây rau nhót dại trên diện tích đất nhiễm mặn, phèn thành công. Các thành viên ngoài thuê đất đã sử dụng nước mặn và phụ phẩm nuôi trồng chế biến hải sản ủ thành phân để bón, tưới cho các loại rau màu này. Đây được xem là giải pháp sản xuất thích nghi với biến đổi khí hậu.
Cây rau nhót trước đây chỉ mọc dại và cho thu hoạch vào mùa xuân nhưng nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật nay có thể cho thu hoạch quanh năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các nhà hàng, quán ăn, khách sạn. Dự tính thời gian tới, HTX sẽ thuê thêm đất ở huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai... để mở rộng diện tích sản xuất.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện đã có nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiêu biểu như xã Quỳnh Minh có diện tích trồng rau sạch hơn 163 ha. Ngoài ra, huyện còn có khoảng hơn 20 ha diện tích nông sản, rau màu hữu cơ, trong đó phải kể đến Trang trại sản xuất và kinh doanh rau màu của công ty TNHH Đức Tài với diện tích 5,3 ha ở xã Quỳnh Giang; trang trại Từ Hạnh, xã Quỳnh Tam với 3,5 ha và nhiều mô hình sản xuất rau sạch trong nhà lưới áp dụng công nghệ cao ở Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh…
Thu nhập 250 triệu đồng/năm
Trồng rau đang giúp nhiều gia đình trong huyện giảm được nghèo, nâng cao thu nhập. Nhiều hộ gia đình và HTX cũng gắn bó với mô hình này và mạnh dạn đầu tư cho trồng rau.
Bà Nguyễn Thị Loan ( xã Quỳnh Minh) cho biết, gia đình bà đã trồng rau 10 năm nay. Với diện tích 3 sào và thực hiện gối vụ, mỗi vụ kéo dài khoảng 45 ngày giúp gia đình có lãi khoảng 5-8 triệu đồng.
Để đảm bảo nước tưới, không chỉ bà Loan mà nhiều hộ gia đình cũng như các thành viên HTX đều khoan giếng ngay tại ruộng để phun nước tưới tự động. Các hộ cũng chủ động luân canh cây trồng, đầu tư về nhà lưới, phân bón, đặc biệt là phân hữu cơ để cải tạo tăng độ mùn cho đất đảm bảo dinh dưỡng cho rau màu.
Với mong muốn giúp ngành rau màu phát triển ổn định, huyện Quỳnh Lưu đã đã phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chuyên canh rau sạch cho bà con nông dân, thành viên HTX trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ phân bón, vốn cho những gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn để sản xuất. Các hộ gia đình khác cũng được hỗ trợ mua phân bón trả chậm để có thể đầu tư sản xuất.
Bà Vũ Thị Bích Hằng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết, với sản lượng cung cấp cho thị trường hơn 50.000 tấn/năm, ước tính người trồng rau sạch ở vùng bãi ngang có lãi khoảng 250 triệu đồng/ha. Đây là nguồn thu ổn định, đều đặn giúp người dân yên tâm canh tác, mở rộng vùng sản xuất, từ đó vươn lên thoát nghèo.
"Điều thuận lợi ở Quỳnh Lưu là huyện đã phát triển được 110 tổ hợp tác, 65 HTX nên việc phát triển rau màu hàng hóa, theo chuỗi giá trị được thuận lợi", bà Hằng nhấn mạnh.
Hiện, UBND huyện Quỳnh Lưu đang cùng cơ quan chức năng hỗ trợ người dân xây dựng các vùng chuyên canh rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Bên cạnh đó, hỗ trợ hệ thống nhà màng cho một số mô hình chuyên canh, hướng tới xây dựng các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn. Đồng thời liên kết, tạo thành chuỗi tiêu thụ ổn định cho bà con.
Tùng Lâm