Với mục tiêu đưa Mỹ Lộc thành vùng chuyên canh hoa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các nước khác, năm 2018, THT Trồng hoa theo chuỗi giá trị Mỹ Tân đã được thành lập, cùng nhau áp dụng những cách làm mới vào sản xuất và kinh doanh trên diện tích 5 ha.
Tiếp cận cách làm mới
Theo bà Vi Thị Liên - thành viên THT, trước đây các hộ trồng hoa lo lắng về đầu ra bao nhiều thì nay, các hộ chỉ chú tâm sản xuất, thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, vì hoa được đặt hàng theo số lượng, chủng loại cụ thể.
Nhờ tham gia THT, mỗi hộ gia đình thu lợi nhuận 50 - 250 triệu đồng/năm. Việc sản xuất theo đơn đặt hàng giúp các hộ chủ động trong các khâu chăm sóc, thu hái. Bên cạnh đó, dưới sự hỗ trợ của Hội nông dân, các thành viên THT đều được hỗ trợ về giống, phân bón, cập nhật tài liệu, kiến thức kỹ thuật canh tác mới nên chất lượng hoa cũng được bảo đảm.
Để phục vụ khách hàng, khoảng 80% diện tích được THT trồng hoa Cúc, còn lại là các giống hoa khác như: Huệ tây, Dơn, Ly, Cát tường… Đây là các giống hoa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương cũng như nhu cầu của thị trường.
Muốn các hộ thành viên tin tưởng, gắn bó lâu dài, điều quan trọng nhất là phải tạo được đầu ra ổn định. Chính vì vậy, THT đã tìm cách giới thiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm và bảo đảm được chất lượng hoa để có được hợp đồng tiêu thụ ổn định.
THT hoạt động và chia lãi suất sau từng lứa hoa cho các hộ thành viên, tùy theo số vốn mà thành viên đóng góp. Số còn lại sẽ được HTX đầu tư để sản xuất lứa hoa tiếp theo.
Hai năm qua, kể từ ngày thành lập, để có được thành quả thu lãi hơn 1 tỷ đồng/lứa từ sản xuất một số loại hoa chất lượng cao, mỗi thành viên đã phải nỗ lực hết mình, có trách nhiệm với đồng vốn mình đóng góp, cùng tìm hướng trồng và tiêu thụ hoa sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
THT đã sản xuất hoa theo đơn đặt hàng của các thương lái |
Chú trọng môi trường sinh thái
Với vai trò là chỗ dựa của các thành viên và người dân, HTX luôn sát cánh, kịp thời khuyến cáo thành viên khoanh vùng, đấu úng cho những diện tích hoa nằm ở địa bàn thấp trũng, hay tiếp tục đầu tư hệ thống tưới nước ở những vùng đất cao, chú trọng áp dụng kỹ thuật mới để cải tạo đất, hạn chế những bất lợi từ thời tiết.
Hiện nay, còn nhiều vùng chuyên canh hoa đang tồn tại việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Để chạy đua với sự phát triển của dịch hại, các chủ vườn hoa đã sử dụng thuốc hóa học ngày càng nhiều và bất hợp lý.
Hậu quả của việc này là làm cho sâu bệnh kháng thuốc và ngày càng phát triển phức tạp, khó kiểm soát, kéo theo đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến con người và hệ sinh thái.
Tuy nhiên, bằng những kỹ thuật khoa học nhằm đạt mục đích lâu dài và bền vững cho hệ sinh thái cũng như lợi ích của con người, THT đã áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó nền tảng là sử dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, giống mới và ưu tiên biện pháp sinh học, giảm thiểu biện pháp hóa học.
Trong quá tình trồng, các thành viên đã sử dụng bẫy dính côn trùng tại vườn sản xuất, ưu tiên sử dụng những giống hoa có khả năng kháng bệnh cao. Đối với những cây hoa bị nhiễm bệnh, THT tiêu hủy ở hố riêng để tiêu diệt mầm bệnh. Đối với thân cây hoa không bị nhiễm bệnh, đều được nghiền nát, trộn với phân để bón vào giữa luống.
Những biện pháp kỹ thuật này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần không nhỏ vào việc cải thiện môi trường và nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân.
Có thể thấy, việc chuyển đổi hình thức sản xuất theo hướng tập thể là sự thay đổi tư duy đúng hướng về nhận thức và phương pháp quản lý trong sản xuất kinh doanh tại Mỹ Tân.
Huyền Trang