Chăn nuôi khoa học sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường |
Các mô hình chăn nuôi của các Tổ hợp tác, HTX đang hướng theo quy mô hàng hóa, liên kết chuỗi nên hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây cũng là điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó thu hút các doanh nghiệp liên kết.
Nút thắt từ chăn nuôi nhỏ lẻ
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT về chăn nuôi, cả nước có khoảng 12 triệu hộ gia đình hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, phổ biến ở nước ta là chăn nuôi lợn (khoảng 4 triệu hộ) và gia cầm (gần 8 triệu hộ), với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc.
Mỗi năm, khối lượng nguồn thải ra từ chăn nuôi ra môi trường là một con số khổng lồ, khoảng 84,5 triệu tấn/năm, trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn…), còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường gây ô nhiễm.
Nguyên nhân là hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, vẫn nuôi theo thói quen cũ, không xây dựng hệ thống xử lý chất thải phù hợp. Tình trạng sử dụng nhiều nước để rửa chuồng trại cũng khiến quá trình thu gom chất thải khó khăn hơn. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ô nhiễm môi trường, hạ thấp hiệu quả chăn nuôi và sức khỏe con người.
Theo một số chuyên gia nông nghiệp, để giải quyết tình trạng này cần đẩy mạnh công tác quản lý môi trường và áp dụng công nghệ phù hợp với từng mô hình chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc phát triển theo quy mô hàng hóa, chú trọng áp dụng kỹ thuật tiên tiến theo mô hình HTX sẽ dần khắc phục được những khó khăn trên.
Điểm sáng trong chăn nuôi
Có thể dễ dàng nhận thấy, khi các HTX, Tổ hợp tác hoạt động sản xuất chăn nuôi sẽ thuận lợi hơn so với quy mô hộ, ý thức bảo vệ môi trường cũng được thực hiện nghiêm túc hơn.
Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ Chăn nuôi Mỹ Lộc (Vĩnh Long) - Nguyễn Văn Khi-cho biết: Môi trường là yếu tố quyết định đến thành công của việc chăn nuôi. Do đó, HTX thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo các thành viên áp dụng quy trình sinh học vào chăn nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường.
Bên cạnh đó, HTX đặt ra những yêu cầu nhất định về bảo vệ môi trường khu vực chăn nuôi. Những hộ không hợp tác sẽ không được tham gia HTX. Hiện, HTX có 30 thành viên, với tổng đàn gà khoảng 50.000 con.
HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (Củ Chi-Tp Hồ Chí Minh) thực hiện chăn nuôi theo chuẩn VietGAP. Quy mô đàn của HTX thường duy trì trên 3.000 con heo nái và 20.000 heo thịt, 2.000 heo hậu bị. HTX đã áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, nâng cao việc xử lý chất thải bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả bền vững cho người nuôi và cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường.
Nuôi heo công nghệ cao là mô hình thành công của nhiều HTX tại Tp Hồ Chí Minh |
Hàng năm, HTX cung cấp khoảng 5.000 heo thịt và 6.000 heo giống hậu bị ra thị trường các tỉnh thành trong cả nước. Hiện, toàn bộ 12 thành viên đều đạt chứng nhận VietGAP. Hiện, HTX còn là nơi hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi heo sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường thông qua hệ thống hầm bioga, xử lý nước thải cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Có thể thấy, các mô hình chăn nuôi của các HTX chính là minh chứng tiêu biểu cho chăn nuôi sạch, bảo đảm môi trường. Việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất thông qua góp vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức sản xuất cũng là nền tảng để các HTX hoạt động hiệu quả, bền vững, từ đó từng bước nâng cao chất lượng ngành nông nghiệp.
Huyền Trang