Mô hình nuôi nghêu của HTX Đồng Tâm được coi là mô hình sản xuất bền vững ở Bến Tre |
Theo Liên minh HTX tỉnh Bến Tre, đến nay, toàn tỉnh có 136 HTX với 37.924 thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ trên 268 tỷ đồng. Trong đó, HTX trên lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản chiếm gần 70% tổng số HTX toàn tỉnh.
Chú trọng môi trường
Tận dụng những lợi tế về điều kiện tự nhiên để phát triển theo mô hình kinh tế tập thể, thời gian qua, các HTX nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, từ đó góp phần quan trọng cho ngành chăn nuôi thủy sản phát triển bền vững cũng như cung cấp sản phẩm sạch phục vụ đời sống con người.
Tại Thới Thuận, huyện Bình Đại, hầu hết người dân mưu sinh bằng nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nhiều năm qua, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nơi đây được thực hiện hiệu quả. Cụ thể, HTX Thủy sản Rạng Đông đã đạt tiêu chuẩn MSC nghề cá đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, đây là tiêu chuẩn sản xuất khoa học, chú trọng đến bảo vệ môi trường trong nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Cụ thể, HTX xây dựng nội quy đánh bắt trong vùng nhằm đảm bảo khai thác không cạn kiệt. Hàng năm, chỉ khai thác khoảng 80% lượng nghêu hiện có. Nhờ đó, HTX đã duy trì sản lượng và có khả năng tái tạo nguồn lợi hiệu quả.
Thời gian qua, thực hiện công tác bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản cùng với sự hỗ trợ tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng, HTX đã tổ chức đào tạo nâng cao ý thức của cộng đồng trước những tác động của môi trường đến nguồn lợi và tài nguyên thiên nhiên. Ngư dân tự giác loại bỏ các phương tiện cơ giới trong khai thác, hạn chế hủy diệt nguồn lợi hải sản của địa phương. Cùng với đó, nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao đang cải thiện số lượng.
HTX Thủy sản sinh thái Thạnh Phước (huyện Bình Đại) thành lập năm 2017. Với mục tiêu phát triển bền vững nhằm tăng thu nhập cho 11 thành viên, HTX đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, trong đó chú trọng sản xuất trên quy mô lớn, tuân thủ nguyên tắc cải tạo và xử lý nguồn nước nuôi thủy sản trước khi xả ra môi trường. Nhờ đó, 36ha của HTX đã cho tổng sản lượng trên 27 tấn, doanh thu trên 2,7 tỷ đồng, trong đó trích quỹ đầu tư 20%, quỹ dự phòng 5%, quỹ khen thưởng 2%. Mô hình sản xuất của HTX đã góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị kinh tế từ ngành nuôi trồng thủy sản địa phương.
Theo Ban Giám đốc HTX Thạnh Phước, vấn đề môi trường và nguồn lợi thủy sản không chỉ là nguyên tắc trong sản xuất mà còn là yếu tố quyết định thị trường và thu nhập của thành viên nên mọi người rất chú ý bảo vệ môi trường.
Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên
Việc Bến Tre thành lập HTX, Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản nhằm gắn kết chặt chẽ người nuôi thủy sản với thị trường, giảm bớt rủi ro trong nuôi trồng, cải thiện thu nhập cho thành viên theo hướng lâu dài, bền vững, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.
Môi trường ven biển được bảo vệ nhờ ý thức sản xuất của người dân |
Bên cạnh đó, với vai trò mô hình kinh tế tập thể, các HTX, Tổ hợp tác là nền tảng để lan tỏa sức mạnh bảo vệ môi trường đối với người dân và thành viên. Chính vì vậy, bằng mọi nỗ lực, các HTX, Tổ hợp tác đều áp dụng những tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn trong và ngoài nước nhằm giúp thành viên và cộng đồng thực hiện chiến lược nuôi trồng khai thác bền vững. Chính vì vậy, mô hình kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX, Tổ hợp tác đã được nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm. Tiêu biểu là: HTX Thủy sản Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy (huyện Ba Tri), Thạnh Hải, Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) và HTX Thủy sản Đồng Tâm, Rạng Đông (huyện Bình Đại).
Sau khi thành lập, hoạt động của HTX chủ yếu hướng vào mục tiêu giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống như trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống mới, kỹ thuật mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ vào trồng trọt, cung cấp thông tin và tiêu thụ sản phẩm, từng bước khắc phục một số yếu kém của sản xuất kinh tế hộ riêng lẻ (thiếu vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm) để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, từng bước tăng năng suất, chất lượng.
Sản xuất đa dạng, chú trọng bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản gần bờ nên hệ thống sinh thái ven biển của tỉnh rất đa dạng từ nghêu, cá đến tôm, cua... Đây là điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch tạo sinh kế cộng đồng ngư dân. Khi sản xuất khoa học, bền vững, đầu ra thuận lợi thì giá trị kinh tế tăng. Giá trị kinh tế tăng cũng là đòn bẩy để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Như tại HTX Thủy sản Đồng Tâm, không chỉ điều chỉnh hợp lý phương thức quản lý và điều hành. Trong kinh doanh, HTX áp dụng phương thức đấu giá, trong sản xuất HTX áp dụng phương pháp nâng cao thương hiệu "MSC - Con nghêu Bến Tre" nên nghêu bán được giá cao, tăng thu nhập cho HTX và thành viên.
Cũng từ đây, đời sống người dân được cải thiện, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng được nâng cao, từ đó góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương trong tương lai.
Huyền Trang