Để thu hút và giữ chân được khách du lịch, việc đầu tiên là cần hình thành những mô hình, những trang trại sản xuất nông nghiệp sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nền tảng từ sản xuất xanh
Ông Đặng Hoàng Thái, thành viên HTX Sơn Trà (huyện Na Hang) cho biết, chỉ có sản xuất sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mới giúp HTX xây dựng được thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm, đặc sản sạch của du khách. Bởi rất nhiều khách đến với HTX, ngoài chỗ chơi thì còn có nhu cầu về các loại nông sản, đặc sản, nên khi làm đảm bảo chất lượng, đầu ra cho nông sản cũng tốt hơn.
Để sản xuất cung ứng hàng hóa đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, HTX Sơn Trà đã chủ động mời cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hái và bảo quản chè búp tươi theo tiêu chuẩn sản xuất chè hữu cơ. Nếu chè được bảo đảm chất lượng, sản xuất đúng quy trình sẽ được HTX thu mua với giá từ 15.000 - 25.000 đồng/kg tùy theo phẩm cấp.
Ngoài ra, khâu chế biến được HTX áp dụng phương pháp truyền thống của đồng bào dân tộc Dao kết hợp với dây chuyền, máy móc hiện đại để tạo ra sản phẩm chè mang nét đặc trưng của địa phương.
Chè Shan tuyết của HTX đến nay có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và luôn hướng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Với quy trình sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường, HTX đã dần định vị được thương hiệu trên thị trường. Định hướng năm 2024, HTX sẽ xuất khẩu sản phẩm đến nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là một mô hình sản xuất thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm.
Cũng phát triển mô hình trồng chè sạch để tạo nền tảng thu hút khách du lịch, HTX chè Vĩnh Tân (xã Tân Trào, Sơn Dương) đã cùng người dân phát triển 200ha chè theo hướng hữu cơ và an toàn. Trong đó, HTX đã tiến hàng trồng tập trung thành khu, tạo nên những đồi chè đẹp mắt. HTX Vĩnh Tân cũng cùng người dân tận dụng những thửa ruộng chằm, thụt bỏ hoang để trồng sen, vừa tạo cảnh quan cho khách du lịch trải nghiệm vừa làm nguyên liệu tẩm ướp chè.
Đặc biệt, xã Tân Trào là địa danh gắn liền với lịch sử nên việc HTX phát triển sản xuất gắn với du lịch chính là lợi thế khi vừa tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
Một điểm nhấn trong mô hình này chính là sản phẩm chè của HTX chè Vĩnh Tân được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Có được điều này không chỉ bởi HTX trồng chè theo quy trình mà còn chế biến bằng máy móc hiện đại với sản lượng hơn 800 tấn mỗi năm. Đây là sản phẩm đặc trưng phục vụ cho khách du lịch tại chỗ cũng như cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh giúp mang lại doanh thu đạt hơn 66 tỷ đồng/năm cho HTX.
Hút khách du lịch
Đến với Tuyên Quang hôm nay, các điểm du lịch nông nghiệp trải nghiệm đã phát triển ở khắp các xã, vừa tạo cảnh quan đẹp mắt vừa nâng cao thế mạnh địa phương.
Ông Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (Phú Lâm,Yên Sơn) cho biết vùng chè tại địa phương có phong cảnh đẹp, chè được canh tác hữu cơ, thương hiệu chè được bảo hộ, uy tín với khách hàng, là sản phẩm OCOP của tỉnh.
![]() |
Cay chè không chỉ nâng cao thu nhập mà còn tạo cảnh quan thu hút khách du lịch. |
Từ tiếng vang đó, nhiều đoàn khách thích lên thăm, chụp ảnh với nương chè, họ tham gia thu hái, thích thú trải nghiệm sao, đóng gói, thưởng ngoạn ấm chè ngon. Vừa có hoạt động trải nghiệm, du khách còn mua chè về làm quà. Đây là mô hình khá hấp dẫn trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Hay mô hình Tổ hợp tác dịch vụ Homestay 99 ngọn núi xã Thượng Lâm, ngoài tích cực sản xuất kinh doanh các sản phẩm như chè Shan Khau Mút, giảo cổ lam, rau bò khai, thịt dê, HTX còn đẩy mạnh dịch vụ homestay.
Mô hình của Tổ hợp tác giúp xã Thượng Lâm thu hút khoảng 4.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu hàng năm ước đạt trên 700 triệu đồng.
Theo thống kê, phát triển nông nghiệp du lịch đang giúp Tuyên Quang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn. Ước tính đến hết 2023, tỉnh Tuyên Quang thu hút lượt khách du lịch đạt 106% kế hoạch năm, tăng 12% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 3.200 tỷ đồng.
Nông dân xóa nghèo
Có thể thấy, giữa vùng đất đồi núi, thời tiết có phần khắc nghiệt vào mùa đông nhưng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách. Và những mô hình này được đầu tư hợp lý đã, đang và sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, hỗ trợ đắc lực cho người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Tiêu biểu như các mô hình sản xuất chè bền vững không chỉ là điểm đến hút khách mà còn giúp cây chè ngày càng phát triển, trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở Tuyên Quang. Ngay như tại HTX Vĩnh Tân, hiện mô hình trồng và sản xuất chè tạo việc làm cho gần 40 lao động địa phương, với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng.
Còn tại HTX Sơn Trà, không chỉ tạo việc làm cho hàng trăm hộ trồng chè, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 công nhân, thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động của HTX Sơn Trà đã góp phần tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại địa phương, tạo thu nhập ổn định cho nhân dân xóa đói giảm nghèo và góp phần đưa xã Hồng Thái hoàn thiện tiêu chí giảm nghèo. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã Hồng Thái chỉ còn 24,7%. Với mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch, mục tiêu đến hết 2023, xã Hồng Thái sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8%.
Hay tại vùng sản xuất thanh long của Tổ hợp tác sản xuất thanh long ruột đỏ Yên Phú (Hàm Yên) trên diện tích 7 ha, HTX không chỉ tạo ra hàng trăm tấn quả thanh long sạch mà còn giúp tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 220 ngàn đồng/người/ngày.
Đặc biệt, không chỉ dừng ở trồng cây ăn trái, Tổ hợp tác đang là là điểm đến hút khách, từ đó vừa quảng bá, giải quyết vấn đề đầu ra, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Với sự phát triển không ngừng, các mô hình nông nghiệp du lịch đang góp phần giúp Tuyên Quang hoàn thiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ông Tô Hoàng Linh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, cho biết dự tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ giảm 3,71%, đạt vượt kế hoạch năm (kế hoạch đề ra 3,51%).
Điều này một phần là nhờ tỉnh tập trung phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa được kế thừa từ những năm 2015-2020 sau đó được nhân rộng, phát triển thành những mô hình nông nghiệp gắn với du lịch để hoàn thiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng như giảm nghèo.
Tuy nhiên, hiện nay, quy mô của các HTX, nhà vườn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, công tác tuyên truyền quảng bá còn nhiều bất cập, các điểm đến chưa có các hoạt động khám phá, trải nghiệm, chưa có các dịch vụ vui chơi, ăn uống đi kèm, chưa quy hoạch đồng bộ các hạng mục phục vụ phát triển du lịch.
Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các ngành, các địa phương, đơn vị để hiện thực hóa những nỗ lực của người dân, HTX trong việc quy hoạch phát triển mô hình du lịch nhà vườn, góp phần làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch của tỉnh.
Minh Nhương