Thanh Hóa hiện có trên 1.000 HTX, trong đó có 674 HTX nông nghiệp. Chuyến đi thực địa do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức trước thềm Diễn đàn “Nâng cao kỹ năng lao động cho khu vực HTX” cho thấy các HTX của tỉnh đang chuyển mình cả về lượng và chất, vừa tạo ra lợi nhuận kinh tế cao vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Những "lá cờ đầu"
HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc, xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc đang là một trong những “lá cờ đầu” của phong trào kinh tế hợp tác tỉnh Thanh Hóa, với tổng diện tích sản xuất trên 200 ha (chuyên trồng ngô ngọt, khoai tây, cải bó xôi, rau màu…), tạo việc làm cho gần 1.000 hộ thành viên.
Những năm qua, để phát triển bền vững, HTX đã chủ động phân vùng sản xuất theo thế mạnh, liên kết với doanh nghiệp để xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Các khu sản xuất của HTX Phú Lộc được phân chia khoa học, phát huy thế mạnh từng vùng. |
Đặc biệt, để duy trì sức hút với các doanh nghiệp, đối tác liên kết, HTX luôn chú trọng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra những sản phẩm có chất lượng vượt trội.
Đơn cử, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do doanh nghiệp hỗ trợ, đúng theo danh mục cho phép, loại bỏ hoàn toàn các loại hóa chất độc hại, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Hàng năm, thành viên và người lao động HTX được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật, ý thức về sản xuất an toàn sinh thái, xử lý chất thải đúng cách.
HTX Phú Lộc cũng đang có một khu xử lý rác thải quy mô, với hệ thống lò đốt đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu hủy rác thải nông nghiệp, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Hoàng Văn Toản, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Phú Lộc cho hay, HTX đang tích cực chuyển đổi khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chế biến nhằm giảm xuất thô, tăng xuất tinh, qua đó nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân.
Nếu HTX Phú Lộc là "đầu tàu" của khu vực HTX nông nghiệp thì HTX vệ sinh môi trường Tân Sơn (phường Tân Sơn, TP. Thanh Hóa) được coi là “lá cờ đầu” của khu vực HTX phi nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Được thành lập từ năm 2016 với chỉ 32 thành viên, đến nay HTX đã thu hút, tạo việc làm ổn định cho gần 200 thành viên và 50 lao động, với mức thu nhập bình quân xấp xỉ 6 triệu đồng/người/tháng.
Phát triển đồng bộ
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định, mô hình vệ sinh môi trường của HTX Tân Sơn đang cho thấy tính ưu việt, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt ở các tiêu chí môi trường, việc làm… tại địa phương.
Hoạt động của HTX Tân Sơn đang tạo cảm hứng cho nhiều phường, xã tại Thanh Hóa thành lập các tổ hợp tác, HTX vệ sinh môi trường, nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động, đặc biệt là lao động nữ, góp phần xây dựng các khu phố, đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp.
Chuyến đi thực địa tại các HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trước thềm Diễn đàn "Nâng cao kỹ năng lao động cho khu vực HTX" gây ấn tượng mạnh với các đơn vị quản lý và các chuyên gia quốc tế. |
“Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, nhân rộng các mô hình HTX điểm nhằm tạo sức lan tỏa, thay đổi nhận thức của xã hội về khu vực kinh tế tập thể, HTX”, ông Quyền khẳng định.
Với thế và lực đang có, khu vực kinh tế tập thể, với nòng cốt là các HTX của tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn có thể bứt phá mạnh mẽ hơn, tạo nên những giá trị bền vững cho thành viên, người lao động.
Sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể tỉnh Thanh Hóa đang thực sự gây ấn tượng mạnh. Ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam, bày tỏ sự phấn khích trước sự phát triển của các HTX tại Thanh Hóa. Ông cho biết, hoạt động hiệu quả tại các HTX như Phú Lộc hay Tân Sơn của tỉnh Thanh Hóa sẽ giúp ILO có góc nhìn trực diện, khái quát, từ đó đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn.
Bà Phạm Thị Hồng Yến – Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Liên minh HTX Việt Nam đánh giá, các HTX điểm của xứ Thanh đang phát huy tốt các nguồn lực về nhân lực, vật lực và vị trí địa lý của tỉnh.
Theo đại diện Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, để có được những thành công trên, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc gỡ khó về vốn sản xuất đến đầu tư nâng cao khoa học – kỹ thuật, trình độ nguồn nhân lực, kết nối xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ…
“Sự chuyển mình của các HTX hiện tại là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống, phát huy tốt các nguồn lực hỗ trợ, và đặc biệt là sự chủ động phát huy thế mạnh, nội lực của các HTX, sự đoàn kết, dám nghĩ dám làm của thành viên”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Tuấn nhấn mạnh.
Hiến Nguyễn