Củ ném hay còn gọi là hành tăm, là cây đặc sản của vùng đất cát Hải Lăng. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế của vùng cát hoang hóa, huyện đã khuyến khích người dân đưa cây ném vào sản xuất, nhất là vào vụ Đông, khi 2 vụ chính là Đông Xuân và Hè Thu đã kết thúc.
Liên kết sản xuất sạch
Để phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã tích cực thu hút các HTX, doanh nghiệp tham gia vào các mô hình sản xuất ném nhằm tạo điểm tựa cho người nông dân.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có 14 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp tham gia mô hình trồng ném, với tổng diện tích trên 130 ha.
Các vùng trồng ném đang được phát triển theo hướng hữu cơ (Ảnh TL). |
Với sự đồng hành của các HTX, người dân vùng cát Hải Lăng bắt đầu đổi mới phương thức sản xuất, chú trọng áp dụng khoa học – kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Đơn cử, như tại HTX dịch vụ nông nghiệp Kim Long (xã Hải Quế), phần lớn các mô hình sản xuất như trồng lúa, trồng màu đều được canh tác theo phương thức hữu cơ. Với mô hình trồng ném, 100% các hộ thành viên nắm vững kỹ thuật sản xuất sạch.
Theo đó, trong quá trình canh tác ném, các hộ thành viên HTX loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai, dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thân thiện môi trường.
Giám đốc HTX Kim Long, ông Nguyễn Hữu Phước, cho hay Hải Lăng là vùng đất trũng, chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu nên việc sản xuất sạch để bảo vệ môi trường sinh thái là vấn đề sống còn, được người dân đặc biệt quan tâm. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn đang áp dụng tưới tiết kiệm nước khi trồng ném.
Bên cạnh cải tiến kỹ thuật, nâng tầm công nghệ, các hộ trồng ném ở Hải Lăng đang đẩy mạnh chuyển đổi từ trồng ném lấy thân sang trồng ném lấy củ.
Đây là bước chuyển quan trọng khi huyện xây dựng thành công nhãn hiệu “Ném củ vùng cát Hải Lăng”. Để nâng tầm thương hiệu, HTX dịch vụ nông nghiệp Kim Long được phân công chịu trách nhiệm quản lý nhãn mác, thương hiệu. Các HTX còn lại cùng làm đầu mối thu mua nguyên liệu, sơ chế, bảo quản sản phẩm.
Hiệu quả liên tục tăng
Sự tham gia của các HTX cùng những chính sách hỗ trợ từ địa phương giúp mô hình trồng ném, đặc biệt là trồng ném lấy củ, trên địa bàn huyện Hải Lăng ngày càng phát triển ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ sản xuất sạch, củ ném Hải Lăng đang cho năng suất, chất lượng cao (Ảnh TL). |
Vụ ném năm 2020, gia đình ông Trần Thanh Bình, xã Hải Dương trồng 2,5 sào ném lấy củ, thu về lợi nhuận trên 30 triệu đồng.
Ông Bình cho biết với đặc điểm khí hậu nắng nóng của địa phương, cây ném là một trong những cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh.
Hiện tại, giá bán ném củ trên địa bàn huyện Hải Lăng đạt 60.000 đồng/kg, ném giống đạt 80.000 đồng/kg. Với giá bán ổn định, nếu được chăm sóc tốt, cây ném sẽ cho thu nhập trên 200 triệu/ha.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng tầm thương hiệu, gia tăng lợi nhuận, huyện Hải Lăng dự kiến tiếp tục thu hút các HTX, doanh nghiệp tham gia nhằm hình thành các vùng liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Đẩy mạnh các khâu chế biến, giảm xuất thô, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Địa phương cũng đang cùng người dân chú trọng đến các khâu trong sản xuất, sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ để cho ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, thân thiện môi trường.
Đồng thời, huyện đang hoàn thiện các chính sách đường dài nhằm hỗ trợ nhân giống, kỹ thuật canh tác, thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho sản phẩm ném củ Hải Lăng.
Nhật Minh