Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh hiện có khoảng 270 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chỉ có 4 HTX ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất. Ngoài ra, có khoảng 30 HTX đang ứng dụng một phần công nghệ cao, nổi bật nhất là tưới tiết kiệm.
Bước đầu chuyển biến tích cực
Gia Cát đang là một trong những vùng rau chủ lực trên địa bàn huyện Cao Lộc, với tổng diện tích trên 50 ha rau màu VietGAP, hữu cơ. Nhiều mô hình nằm trên vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Kỳ Cùng đang phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh.
Nhờ phát huy tốt những thế mạnh của địa phương, HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát nổi nên như một điểm sáng trong phát triển sản xuất có ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả vượt trội trên địa bàn xã.
Ngày càng nhiều HTX ở Lạng Sơn ứng dụng hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất. |
Giám đốc Hoàng Văn Thuận cho hay HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát hiện đang phát triển các cây trồng chủ lực có giá trị cao như dưa chuột baby, dưa lưới, cải ngồng, măng tây…
Đầu năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 79 triệu đồng, HTX đối ứng 35 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong nhà lưới áp dụng cho diện tích 5.500 m2. Điểm nổi bật của công nghệ tưới tiết kiệm chính là tiết kiệm nước 30 - 40% so với hình thức tưới thông thường.
Theo Giám đốc Hoàng Văn Thuận, ứng dụng công nghệ cao giúp HTX tiết kiệm 2/3 lượng nước tưới, giảm hơn 70% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, thân thiện môi trường, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đơn cử, với tưới tiết kiệm, các khu trồng rau của HTX được giữ độ ẩm đồng đều và liên tục giúp phân bón hòa tan nhanh hơn, tránh tình trạng thất thoát, tồn đọng trong đất gây thoái hóa. Đây cũng là lý do vì sao HTX dùng ít phân bón hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.
Sản xuất an toàn sinh thái, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao là chìa khóa giúp HTX Gia Cát tăng trưởng ổn định bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, duy trì mức lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm, đảm bảo thu nhập cho thành viên, hộ liên kết.
Tương tự, HTX nông nghiệp công nghệ cao và phát triển Lạng Sơn, xã Mai Pha (TP Lạng Sơn) cũng đang là điển hình sản xuất hiện đại ở xứ Lạng. HTX Lạng Sơn đang hoạt động chính trong lĩnh vực trồng trọt, với các loại rau quả chủ lực như cải ngồng, cải làn, cà chua, dưa chuột… trên tổng diện tích 3 ha.
Ông Nông Văn Thìn, Phó Giám đốc HTX Lạng Sơn cho hay, năm 2019, sau khi nhận được khoản vốn hỗ trợ gần 7 tỷ đồng, HTX đã mạnh dạn đối ứng thêm 5 tỷ đồng để đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm, nhà sơ chế…
Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất, chất lượng các sản phẩm của HTX được nâng cao đáng kể, năng suất cây trồng cũng tăng 10 - 20%, đặc biệt là giúp thành viên HTX tiết kiệm 40% chi phí nhân công, hơn 70% lượng phân bón.
Hóa giải những khó khăn
Bên cạnh các loại rau màu truyền thống, để nâng cao hiệu quả, tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư của Nhà nước, từ đầu năm 2020, HTX đã đưa các loại cây trồng mới có ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng vào sản xuất như dâu tây giống Nhật Tochiotome, dưa lê Kim cô nương, dưa lưới…
Cần thêm các nguồn lực hỗ trợ để HTX nông nghiệp ở Lạng Sơn bứt phá với công nghệ cao. |
“HTX đang duy trì mức doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, 100% sản phẩm của HTX đang được sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, nói không với các hóa chất độc hại, không sử dụng chất kích thích, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường”, Phó Giám đốc Nông Văn Thìn cho hay.
Chất lượng vượt trội cũng là điểm tựa để sản phẩm HTX Lạng Sơn nâng cao thương hiệu. Sản phẩm ngồng hoa cải của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao cấp tỉnh.
Dù đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ cao trong các HTX trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ nhằm hướng tới bước đột phá mới.
Theo đánh giá từ Liên minh HTX tỉnh, điểm chung của nhiều HTX là đều thiếu chủ động, có tâm lý trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, các mô hình ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa đồng bộ tất cả các khâu sản xuất, sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu.
Để từng bước gỡ khó trong phát triển HTX nông nghiệp công nghệ cao, mỗi năm, Liên minh HTX tỉnh duy trì 7 lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên HTX về hiệu quả của ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, lựa chọn một số HTX có khả năng, tiềm lực để tư vấn, hỗ trợ, giúp các HTX đẩy mạnh ứng công nghệ cao và lựa chọn các công nghệ phù hợp.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, dự án, bố trí các nguồn vốn ưu tiên, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm để hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX đăng ký các quy trình, hoàn thiện nhãn mác, bao bì và tem truy xuất, góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản…
Nhật Minh