Cùng với cây lúa chủ lực, những năm qua xã Vĩnh Tường đẩy mạnh phát triển mô hình trồng rau VietGAP. Để đảm bảo hiệu quả bền vững cho người dân, xã đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cao trình độ nhân lực, gia tăng hàm lượng khoa học – kỹ thuật, nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Liên kết trồng rau sạch
Ông Đinh Phước Khoa, thành viên tổ hợp tác trồng rau sạch xã Vĩnh Tường, cho biết trước đây gia đình ông trồng gần 1 ha lúa, do giá cả bấp bênh nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, thường xuyên rơi vào cảnh được mùa mất giá.
Các hộ sản xuất của xã đang chủ động liên kết để nâng cao hiệu quả (Ảnh TL). |
Năm 2016, ông Khoa tham gia vào tổ hợp tác và chuyển đổi 0,5 ha sang trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Với sự đồng hành của tổ hợp tác, mô hình nhanh chóng cho thấy hiệu quả vượt trội.
“Tham gia vào tổ hợp tác, tôi được tham gia tập huấn để nắm vững quy trình trồng rau VietGAP, đặc biệt là trong khâu sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu trước đây tình trạng lạm dụng thuốc diễn ra phổ biến, thì nay chúng tôi ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học”, ông Khoa chia sẻ.
Đặc biệt, theo ông Khoa, các hộ thành viên tổ hợp tác được hướng dẫn áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại IPM, sử dụng các loại thiên địch để loại bỏ côn trùng gây hại, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rau màu, hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái.
Với 0,5 ha trồng rau màu VietGAP, một năm 3 vụ, bình quân mỗi vụ gia đình ông Khoa thu về 70 – 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Cái được lớn nhất là các hộ trồng rau không còn lo “được mùa, dội trợ”.
Đại diện UBND xã Vĩnh Tường cho hay việc hình thành những khối liên kết giữa các hộ trồng rau giúp họ nâng cao năng lực sản xuất, hình thành các vùng canh tác lớn để áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, khoa học – kỹ thuật, từ đó nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả
Theo thống kê, toàn xã Vĩnh Tường đang có trên 20 ha trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường.
Nhờ sản xuất khoa học, thu nhập bình quân của mô hình đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí. Mô hình trồng rau VietGAP đang nâng cao đời sống của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Mô hình sẽ tiếp tục được đầu tư, mở rộng sản xuất (Ảnh TL). |
Để có được những thành công trên, thời gian qua xã đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ cho người nông dân. Trong đó, xã đặc biệt quan tâm đến việc hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho người trồng.
Đơn cử, kể từ năm 2019 đến nay, xã đã tổ chức thành công hàng chục khóa tập huấn về sản xuất, với trên 100 lượt người tham dự, trong đó chủ yếu hướng dẫn cách phòng trừ sâu hại, trang bị kiến thức về sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm; 15 hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về cây lúa, rau màu và cây ăn trái cho người dân.
Hiện tại, xã đang thực hiện chuyển giao khoa học - kỹ thuật về cây lúa và rau an toàn tại địa bàn các ấp Xuân Thọ, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hòa, Bình Phong, Vĩnh Quới nhằm giúp nông dân tiếp cận phương thức sản xuất mới, an toàn, hiệu quả hơn.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đang có, thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông dân phát triển mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định giá bán cho người dân. Ngoài ra, xã rất cần thêm sự hỗ trợ từ các cấp, qua đó giúp người dân phát triển sản xuất.
Nhật Minh