Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng đầu tư thâm canh dẫn đến việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nông dân thường cao hơn. Bên cạnh đó là rác thải nguy hại như vỏ chai, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp phát thải ra môi trường chưa được thu gom, xử lý theo đúng quy trình chiếm tỷ lệ cao, gây ô nhiễm không nhỏ đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Chú trọng bảo vệ môi trường
Để tìm hướng đi mới cho thành viên, Ban giám đốc HTX đã lựa chọn phát triển mô hình trồng rau VietGAP, có ứng dụng một phần công nghệ cao, cho hiệu quả vượt trội tại địa phương.
HTX đầu tư hàng trăm triệu đồng để lắp đặt hệ thống nhà màng hiện đại, phục vụ sản xuất rau, củ, quả sạch trên diện tích 1.400 m2, chủ yếu trồng dưa kim hoàng hậu, ngoài ra còn trồng cà chua và một số loại rau ăn lá.
Việc sản xuất trong nhà màng giúp các thành viên giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết, có thể triển khai trồng trọt quanh năm, hạn chế sự xâm nhập của côn trùng gây hại, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài hệ thống nhà màng, HTX còn áp dụng quy tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: đúng thời gian, đúng bệnh, đúng liều lượng, đúng loại thuốc. Nhờ đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm 30-40% so với cách trồng rau quả thông thường. Nông sản cũng tăng năng suất từ 15-20% so với khi canh tác ngoài trời.
Trồng dưa trong nhà màng giúp hạn chế tác động của môi trường, nên giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. |
Không chỉ có hệ thống nhà màng, HTX còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, đảm bảo lượng nước tưới đúng và đủ cho cây sinh trưởng, phát triển, tránh lãng phí, đồng thời giảm thiểu công lao động, nâng cao sức khỏe con người.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, HTX đã kết hợp cùng địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai thu gom rác thải nông nghiệp đến với thành viên và người dân thông qua các hoạt động: trang bị thùng đựng rác, bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy, ý thức của thành viên đã từng bước được nâng cao.
Ông Lê Văn Dung, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Vạn Hà, cho biết HTX đã xây dựng hoặc đặt các bể thu gom rác tại đầu bờ ruộng nên hạn chế tình trạng vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan trên đồng ruộng như trước. “Chỉ cần mỗi người luôn ý thức thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để đúng nơi quy định thì sẽ tránh được tình trạng vứt bỏ bừa bãi tại các bờ ruộng, từ đó tránh được ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, không khí…”, ông Dung chia sẻ.
Chinh phục khách hàng
Nhờ chú trọng sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, bình quân mỗi năm, HTX Vạn Hà có thể trồng gối 4 vụ dưa kim hoàng hậu, lợi nhuận bình quân đạt 70- 90 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, các thành viên còn có thêm nguồn thu từ những loại cây như cà chua, rau ăn lá...
Điều thuận lợi là khi tham gia HTX, người dân và thành viên không chỉ được hướng dẫn kỹ thuật mà còn được hỗ trợ tiêu thụ thông qua các mối liên kết nên giá trị lợi nhuận thu được cao hơn.
Chẳng hạn những năm trước đây, các hộ thành viên chỉ thu được khoảng 15-20 triệu đồng/sào rau thì khi tham gia HTX, nguồn thu sẽ đạt khoảng 30-32 triệu đồng/sào.
Áp dụng sản xuất rau VietGAP giúp nâng cao chất lượng môi trường. |
Ông Phùng Văn Quyết, thành viên HTX cho biết, trước đây sản xuất không hiệu quả là do diện tích sản xuất còn nhỏ, manh mún, hàm lượng khoa học công nghệ thấp. Người dân chưa chú trọng nâng cao chất lượng thông qua các biện pháp bảo vệ môi trường nên quy trình canh tác gặp nhiều khó khăn, năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, thị trường thiếu ổn định.
“Các sản phẩm được HTX bao tiêu, cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch, thu nhập của gia đình hiện đạt trên 100 triệu đồng/năm nhờ trồng 3 sào rau”, ông Quyết hồ hởi cho hay.
Với những lợi ích khi tham gia HTX, ông Quyết và gia đình không chỉ tiên phong tham gia trồng rau VietGAP mà luôn vận động các thành viên trong HTX phải tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất rau màu an toàn, đặt chất lượng và niềm tin người tiêu dùng lên hàng đầu.
Trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ cho thành viên, tạo điều kiện để các thành viên tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật của địa phương, nhằm nắm chắc quy trình sản xuất, liên tục cập nhật kiến thức mới để nâng cao chất lượng nông sản và chất lượng môi trường.
Tùng Lâm