Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư cũng là thời điểm thu hoạch của nhiều loại nông sản như: Mơ, đào, mận, vải, xoài, dứa, vải, dưa hấu, thanh long, sầu riêng, nhãn... Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên các loại cây ăn quả này của các HTX đều được mùa với sản lượng tương đối lớn. Tuy nhiên, thay vì được mùa mất giá thì các HTX năm nay đều có đầu ra tương đối thuận lợi.
Thực hiện vai trò kết nối
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tâm Thịnh (xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) có diện tích trồng khoảng gần 10ha, năm nay sản lượng đạt gần 100 tấn. Nhớ lại thời điểm đầu vụ, khi dịch Covid-19 bùng phát, các thành viên HTX ai cũng lo lắng. Tuy nhiên, không ai chán nản mà bỏ bê việc chăm sóc cây vải mà xác định càng khó khăn lại càng phải quyết tâm, tập trung làm ra quả vải sao cho đạt chất lượng tốt nhất.
Với sự vào cuộc của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, HTX đã đứng ra thu mua thêm sản phẩm của nông dân và tiêu thụ khoảng 800 tấn vải tại thị trường chính là trong nước và một phần xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua doanh nghiệp… Nhờ đó, cuộc sống của các thành viên các hộ dân vẫn được bảo đảm.
Thông tin từ Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm nay toàn tỉnh có gần 40 HTX sản xuất và tiêu thụ vải thiều cho hộ thành viên và nông dân trên địa bàn. Nhìn chung các HTX đã ký kết được các hợp đồng liên kết tiêu thụ với các nhà phân phối ổn định nên việc tiêu thụ của các thành viên và hộ trồng vải thuận lợi và mang lại giá trị kinh tế cao.
Các đại biểu đánh giá cao bài học kinh nghiệm trong tiêu thụ nông sản của Tổ công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản các tỉnh phía Bắc. |
Ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) cho biết dưới sự chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam, ngoài kết nối tiêu thụ trong nước, Trung tâm đang kết hợp với một số vựa thu mua nông sản tại Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Hà Giang và các Công ty xuất khẩu nông sản tại Lạng Sơn để lựa chọn nông sản, hướng dẫn quy cách đóng gói, hỗ trợ làm thủ tục thông quan, kết nối với bên mua tại Trung Quốc cho các HTX. Khi vào chính vụ, chỉ tính riêng với quả vải thiều của các HTX đã xuất được 50-70 tấn/ngày.
Trước nguy cơ dịch Covid-19 có thể làm đứt gãy chuỗi nông sản của các HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã sớm chủ động cùng các nhà phân phối và các địa phương có sản lượng nông sản lớn tích cực vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ. Một trong những giải pháp hiệu quả chính là thành lập Tổ công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản cá tỉnh phía Bắc.
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản các tỉnh phía Bắc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đều phải tăng cường phối hợp để đưa ra các giải pháp mở cửa thị trường, đảm bảo giá bán nông sản cho các HTX, tổ hợp tác. Trong đó, tổ công tác tập trung vào hỗ trợ các mặt hàng nông sản mang tính thời vụ như vải thiều, dưa hấu, dưa lê, na… đồng thời chủ động liên hệ, làm việc với các đơn vị bao tiêu như doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối… để tiêu thụ nông sản cho các HTX.
Không cần giải cứu mà cần giải pháp
Nhờ đó mà chỉ trong khoảng 2 tháng, gần 27.000 tấn nông sản của các HTX ở các tỉnh, thành phía Bắc đã có đầu ra ổn định. Người dân không còn gặp cảnh khó khăn vì dồn ứ nông sản. Từ những gì đã đạt được và trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban thường vụ, Thường trực Liên minh HTX Việt Nam đã lên kế hoạch kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm cho HTX, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là các khu vực bị áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid 19 và hướng đến xuất khẩu trong năm 2021 và những năm tới.
Để làm tốt được nhiệm vụ này, tại Hội nghị trực tuyến ban chấp hành lần thứ 3, khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh đã nêu ra 5 bài học kinh nghiệm trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản để các tỉnh học tập và áp dụng vào thực tiễn.
Theo Phó Chủ tịch, trước tiên, cần nắm được tình hình về tổng nhu cầu sản phẩm từ các HTX của chính địa phương mình bởi “cầu” là rất qua trọng. Muốn có đầu ra thì phải nắm chắc đầu vào về số lượng, chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn gì, thương hiệu, giá cả ra làm sao.
Câu chuyện sản xuất như thế nào là của HTX, nhưng câu chuyện vận chuyển hàng hóa, vấn đề lái xe, người giao hàng cho đến xét nghiệm nhanh Covid-19, kiểm tra liên ngành lại là vấn đề của các cấp chính quyền địa phương. Nếu các cấp ngành không vào cuộc thì HTX gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, bài học thứ hai mà Phó Chủ tịch nhấn mạnh chính là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước thì nông sản của HTX mới nhanh đến tay người tiêu dùng.
Bài học thức ba là khi tiêu thụ sản phẩm cần chú trọng đa dạng trên nhiều kênh thì mới hiệu quả. Qua việc hỗ trợ các HTX của các tỉnh, thành phía Bắc tiêu thụ nông sản trong gần 2 tháng qua, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết phải qua 6 kênh như: điểm bán hàng trực tiếp; siêu thị; chợ đầu mối; hệ thống Liên minh HTX các tỉnh/TP; xúc tiến thương mại điện tử, xuất khẩu thì mới tiêu thụ nông sản hiệu quả. Tuy nhiên, tiêu thụ qua chợ đầu mối vẫn là kênh chính. Còn lại, tiêu thụ qua xuất khẩu và siêu thị thì lượng tiêu thụ chiếm tỷ trọng nhỏ. Còn kênh có hiệu quả khác chính là bán hàng trực tiếp, thông qua các mạng xã hội bằng việc người dân, thành viên HTX tiến hành livestream, quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng….
“Phương thức bán này thu hút được nhiều người đặt hàng, vừa được giá. Tuy nhiên, để có được hiệu quả phải ứng dụng công nghệ thông tin và phải có tri thức nhất định. Nếu người dân và thành viên HTX không hiểu về công nghệ thông tin và không có nền tảng tri thức việc ứng dụng các kênh bán hàng này cũng rất khó khăn. Chính vì vậy, đi liền với các kênh bán hàng này là phải nâng cao chất lượng đội ngũ thành viên và cán bộ HTX”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, các sàn giao dịch điện tử cũng hỗ trợ tiêu thụ nông sản hiệu quả nhưng hiện nay kênh này mới đang ở mức triển khai xây dựng, để đi vào thực hiện hiệu quả thì cần phải có thời gian.
Bài học thứ tư là cần đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc truyền thông có định hướng lan tỏa để khẳng định việc sử dụng sản phẩm sản phẩm của HTX. “Một trong những kinh nghiệm truyền thông hiệu quả đó là không dùng từ giải cứu mà chỉ là hỗ trợ nông sản an toàn của HTX. Vì giải cứu có mặt trái đó là tác dụng ngược đến giá cả, tâm lý người tiêu dùng”, Phó Chủ tịch cho biết.
Bài học thứ năm là muốn thành công trong hỗ trợ tiêu thụ thì phải chủ động từ sớm, từ xa, không để xảy ra tình trạng bị động. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ, bài học từ Bắc Giang là 200 thương lái Trung Quốc phải đưa vào trước đó khoảng 45 ngày để chủ động trong công tác tiêu thụ. Bên cạnh đó là việc chuẩn bị cho công tác vận chuyển luồng xanh và xét nghiệm Covid-19… để bảo đảm thời gian vận chuyển nông sản kịp thời gian và bảo đảm chất lượng.
Tất cả những điều trên là bài học kinh nghiệm mà Tổ công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phía Bắc của Liên minh HTX Việt Nam rút ra được và chia sẻ với mục đích giúp các địa phương áp dụng vào thực tế để làm sao hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho HTX không chỉ trong mùa dịch mà còn về lâu dài. “Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng bởi khi bảo đảm đầu ra cho nông sản thì mới nâng cao được hiệu quả, thu nhập và phát triển bền vững cho HTX”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Huyền Trang