Lai Châu là tỉnh có tiềm năng tài nguyên khoáng sản phong phú với nhiều loại trữ lượng lớn. Nhờ tận dụng và phát huy tốt lợi thế, năm 2003, HTX Phương Nhung được thành lập, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản được HTX đặc biệt quan tâm.
Phục hồi môi trường sau khai thác
Năm 2007, HTX Phương Nhung được UBND tỉnh cấp phép khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá vôi Chè Bó, Km 354 quốc lộ 32 địa phận xã Phúc Than. Hiện nay, ngoài khai thác và chế biến, HTX còn mở thêm ngành nghề kinh doanh nhà nghỉ, vệ sinh môi trường… góp phần tăng thu nhập cho thành viên, tạo việc làm cho người lao động địa phương.
Hoạt động khai thác mỏ đá ở HTX Phương Nhung đã tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương. |
Bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc HTX Phương Nhung cho biết, trước đây, trong quá trình sản xuất thường không tránh khỏi nhiều bụi đá. Vì thế, để giải quyết triệt để, HTX đã sử dụng hệ thống giàn phun sương dập bụi, làm tăng độ ẩm và giảm nhanh nồng độ bụi trong không khí.
Đồng thời, HTX xây dựng 3 bể nước hơn 200m3 phục vụ cho phun sương và 1 xe chuyên dụng phun nước khi có hoạt động vận chuyển xúc bốc đá thành phẩm, tránh ảnh hưởng cuộc sống của người dân xung quanh.
Sau khi đã nổ mìn khai thác mỏ đá xây dựng, đá sẽ bị phá với một lượng nhất định theo nhiều kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Nếu như trước, HTX sàng lọc đá theo cách thông thường, toàn bộ nước sau khi rửa được bơm trực tiếp ra hồ lắng, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến nguồn đất, nước và không khí, thì nay, HTX đầu tư máy móc công nghệ mới, hướng tới sản xuất “sạch”, giảm thiểu khả năng xả thải ra môi trường.
Theo bà Nhung, riêng khu vực chế biến của mỏ được đầu tư hoàn thiện gồm 3 dây chuyền, trong đó 1 dây chuyền hiện đại, đưa máy móc xuống sâu dưới chân bãi đá để hoạt động nghiền xay đá với công suất chế biến đạt sản lượng 20.000m3/năm đá các loại.
Anh Nguyễn Văn Hưng ở đội 9, xã Phúc Than, thành viên HTX Phương Nhung cho biết: "Chúng tôi được Ban giám đốc hướng dẫn, chỉ đạo dựa vào chiều gió để nổ mìn nhằm hạn chế khói, vận chuyển đá vào thời gian phù hợp để không gây tiếng ồn, và luôn đặt sức khỏe của bản thân và những người xung quanh lên hàng đầu”.
Không những thế, hằng năm HTX còn thực hiện trồng cây xung quanh bãi khai thác đá nhằm che chắn bụi, hệ thống thoát nước để chống trượt lở…
Sau nhiều năm, những đồi cây xanh trên bãi khai thác đã bám rễ sâu, giữ đất, giữ đá, góp phần hạn chế việc đất đá trôi mỗi khi trời mưa như trước đây và lọc không khí tốt hơn cho các khu vực này.
Những năm gần đây, nếu đi dọc tuyến quốc lộ 32 sẽ không còn nhận ra những bãi thải cao trơ màu nâu sỉ, mà thay vào đó là màu xanh mát mắt của những đồi cây đang lên ngày một dày. Đây là những minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực của HTX Phương Nhung trong việc hoàn nguyên, phục hồi môi trường sau khai thác.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Thời gian qua, HTX đã nỗ lực không ngừng, gắn lợi ích kinh tế với đảm bảo môi trường, tiếp tục khẳng định ưu thế vượt trội so với các đơn vị khai thác đá, làm vật liệu xây dựng trên địa bàn. Nhờ đó mà sản phẩm đá xây dựng của HTX luôn là địa chỉ tin cậy của hàng trăm khách hàng trong và ngoài tỉnh.
HTX Phương Nhung phối hợp với chính quyền, các đơn vị tập huấn an toàn lao động cho các thành viên và người lao động. |
Đến nay, HTX Phương Nhung có 48 thành viên tham gia và 30 lao động thường xuyên, tạo thu nhập ổn định từ 7-10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, hoạt động của HTX gặp không ít trở ngại, song từng bước khắc phục, tháo gỡ, xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể, đồng hành với chính quyền trong công tác từ thiện, ủng hộ hộ nghèo, làm nhà tình nghĩa, tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó...
Hơn nữa, ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định phương châm hoạt động thực hiện đúng theo tôn chỉ pháp luật và chủ trương “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, luôn chấp hành quy định an toàn về khoan, nổ mìn, xúc bốc, điện…
Đồng thời, trang bị đầy đủ các loại phương tiện, bảo hộ (quần áo, giày, mũ, dây) đảm bảo an toàn cho người lao động. 100% lao động chính thức được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm (bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội), nên từ khi hoạt động đến nay chưa xảy ra vụ việc mất an toàn lao động nào tại mỏ đá.
Thời gian tới, HTX luôn kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực nhằm sử dụng và phát triển các công nghệ tiết kiệm tài nguyên, nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh.
Ông Ngô Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu cho biết, hoạt động khai thác đá có những tác động đối với môi trường là điều khó tránh khỏi, nhưng mỗi cơ sở, doanh nghiệp khai thác đá cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, chế biến; gắn khai thác với bảo vệ môi trường.
"Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban của thành phố tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường. Báo cáo UBND thành phố xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, phù hợp với thực tế đảm bảo hiệu quả quản lý chất lượng môi trường", ông Hùng nói.
Tô Thương