Chăn nuôi là hoạt động quan trọng đối với nông dân và nông thôn, góp phần cải thiện sinh kế, cung cấp thực phẩm trứng, thịt, sữa cho tiêu dùng. Tuy nhiên, do chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi thường được bà con bố trí ngay trên diện tích đất sinh hoạt chung của gia đình nên đã gây tác động lớn đến môi trường xung quanh, phát sinh dịch bệnh và sức khỏe người dân.
Xây dựng các mô hình điểm
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 19 HTX chăn nuôi hoạt động hiệu quả. Điển hình như HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (thị xã Sơn Tây); HTX chăn nuôi - dịch vụ tổng hợp Hoà Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa); HTX chăn nuôi Hồng Quang với 24 thành viên, HTX chăn nuôi Mỹ Hà (Mỹ Đức) có 24 hộ với tổng đàn lợn 9.125 con...
Các HTX đóng vai trò quan trọng trong liên kết sản xuất, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. |
Được thành lập từ năm 2016 theo Luật HTX 2012, HTX Đồng Tâm (Quốc Oai) hiện có 10 hộ thành viên. Trong đó, 7 hộ thành viên chuyên đảm nhận chăn nuôi lợn an toàn sinh học và 3 thành viên chuyên đảm nhận khâu giết mổ, đóng gói và vận chuyển thịt lợn thành phẩm cho các cửa hàng, siêu thị.
Phát triển sản xuất theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, đến sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm, HTX đang duy trì hệ thống chuồng nuôi với số lượng 150 - 300 con lợn, áp dụng hiệu quả phương thức chăn nuôi an toàn với các loại thức ăn sinh học có hàm lượng dinh dưỡng cao. Đặc biệt, HTX chăn nuôi bằng cám sinh học mang lại nhiều ưu điểm như bảo vệ môi trường, chuồng trại không có mùi hôi thối; lợn khỏe mạnh, giúp đào thải độc tố; chất lượng thịt luôn thơm ngon, dai, giòn và chắc thịt, mỡ ăn không bị ngấy. Ngoài ra, hộ nuôi giảm được chi phí thuốc thú ý.
HTX chăn nuôi - dịch vụ tổng hợp Hoà Mỹ có 33 thành viên với tổng đàn lợn 35.225 con, nuôi tập trung ở 2 xã Vạn Thái và Sơn Công . Đây là một trong 70 điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được các cấp hội ghi nhận và đánh giá cao về việc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong bảo vệ môi trường vào chăn nuôi.
Các HTX trên đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp để triển khai các hoạt động chuyên môn như tập huấn kỹ thuật, xử lý môi trường, phòng dịch, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đưa thành viên thăm quan học tập mô hình điển hình tiên tiến để tiếp thu kỹ thuật chăn nuôi hiện đại và bền vững.
Hiện nay, TP Hà Nội đã xây dựng 4 vùng chăn nuôi lợn tại các huyện Ứng Hòa, Thạch Thất, Thanh Oai và Sơn Tây với tổng đàn hơn 500.000 con và 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm ở thị xã Sơn Tây và ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Ðức và Gia Lâm.
Đồng thời, phát triển 6 vùng chăn nuôi gà tập trung với quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Ðông Anh, Sơn Tây, Quốc Oai, Sóc Sơn với gần 5 triệu con và 2 vùng chăn nuôi vịt quy mô lớn tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa.
Hiện, mô hình sản xuất chăn nuôi của TP Hà Nội đang chuyển động theo xu hướng phát triển chuỗi khép kín từ chuồng trại tới cửa hàng và bếp ăn đảm bảo cung cấp thịt, trứng, sữa chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.
Trong đó, vai trò của HTX càng trở nên quan trọng, nhất là tập hợp, liên kết nông dân cùng sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến các khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo sự gắn bó bền vững giữa các thành viên và mang lại lợi nhuận cho HTX. Đây là hướng đi có thể cung cấp kinh nghiệm cho phát triển HTX ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh
Trong cơn bão thực phẩm "bẩn" đang hoành hành, nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng cấp thiết đối với người tiêu dùng, HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) đã tập trung vào sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết giữa 50 trang trại lợn và 40 trang trại gà theo mô hình khép kín từ cung cấp thức ăn đến thu mua sản phẩm trên tinh thần hợp tác và chia sẻ lợi nhuận của người chăn nuôi và các chủ trang trại.
Mô hình chăn nuôi khép kín góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp |
Ngoài ra, HTX còn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh. Theo đó, toàn bộ hệ thống xử lý môi trường đều được thiết kế, xây dựng theo quy chuẩn, có tường rào bao quanh nhằm kiểm soát người và động vật ra vào trại.
Các khu chăn nuôi, khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi, khu tắm rửa, khử trùng, thay quần áo cho công nhân, khu cách ly lợn ốm; khu tập kết và xử lý chất thải… được bố trí riêng biệt.
Cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và lối ra vào mỗi dãy chuồng đều bố trí hố khử trùng. Đặc biệt, tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào trại, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và được phun thuốc sát trùng.
Riêng hệ thống xử lý chất thải, trang trại đã xây dựng 5 hồ lắng, các bể biogas, các hồ tuần hoàn. Hiện, nước thải đến hồ tuần hoàn cuối cùng được sử dụng để nuôi các loài cá nước ngọt.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Sơn Tây chia sẻ, HTX Cổ Đông đã hoàn thiện đầy đủ hệ thống quan trắc môi trường, xử lý chất thải theo quy định và giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng. HTX đã giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội tăng thu ngân sách, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là bảo đảm môi trường làng quê xanh, sạch, đẹp.
“Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường địa phương, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các thôn, xóm tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn cho các hộ chăn nuôi cách xử lý chất thải, kiểm tra định kỳ, đột xuất các hộ chăn nuôi nhằm kịp thời phát hiện, nhắc nhở các trường hợp xả chất thải trực tiếp ra môi trường và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời… Ngoài ra, chúng tôi còn trực tiếp xuống từng hộ dân hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học, cách phun thuốc sát trùng, khử khuẩn, hướng dẫn thu gom, xử lý chất thải đúng quy trình, hợp vệ sinh. Nhờ đó, vấn đề môi trường ở địa phương luôn được đảm bảo...”, ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Cổ Đông cho biết.
Đoàn Huyền