Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định trong bối cảnh khó khăn kép như hiện nay nếu chăn nuôi khép kín, chủ động từ con giống đến thức ăn hỗn hợp thì có lãi mỏng. Còn nếu nuôi theo quy mô nông hộ, mua con giống bên ngoài sẽ chịu chi phí cao hơn và nhiều hộ bắt đầu lỗ. Giá lợn hơi phải trên 70.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi.
HTX linh hoạt thích ứng
Trong vô vàn khó khăn, nhiều HTX trên địa bàn cả nước đã nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, linh hoạt thích ứng với điều kiện thị trường để “vượt bão”, đảm bảo lợi ích cho thành viên.
Chăn nuôi khoa học, thân thiện môi trường là chìa khóa giúp các HTX vượt qua khó khăn kép hiện tại. |
Điển hình, trong thời gian qua, trang trại lợn của HTX chăn nuôi Ít Ong (thị trấn Ít Ong, Mường La, Sơn La) được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại giúp người chăn nuôi giải quyết những mối lo trong sản xuất, nhất là về đầu ra khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Với quy mô đàn lợn 3.000 - 5.000 con, hàng năm, HTX Ít Ong xuất bán từ 800-1.000 tấn thịt thương phẩm ra thị trường. Tưởng chừng với số lượng đàn nuôi lớn như vậy, HTX phải thuê hàng chục lao động, nhưng trên thực tế, máy móc và công nghệ hiện đại của mô hình nuôi lợn trong chuồng lạnh khép kín đã giúp HTX tiết giảm tối đa chi phí và công lao động.
Theo thành viên HTX, đầu tư theo hướng hiện đại có chi phí cao hơn so với lối chăn nuôi truyền thống nhưng ngược lại sẽ tiết kiệm được công lao động 50-60%. Hệ thống giàn mát, điều hòa giúp nhiệt độ trong chuồng luôn dao động ở mức 27-30 độ C.
Riêng khu vực xử lý chất thải được HTX xây dựng hệ thống hầm biogas. Phân được lọc qua hầm thô, sau đó máy hút khí qua bể lọc phục vụ nhu cầu dùng điện trong trại, còn hầm phân tươi thì sẽ ủ với lá cây cho hoai mục. Cách làm này giúp bảo vệ môi trường vì kiểm soát mùi hôi, giảm lượng chất ô nhiễm trong nước thải…
Với việc ứng dụng công nghệ nuôi chuồng lạnh theo quy trình khép kín, đàn lợn của HTX luôn phát triển tốt. Theo HTX, vì đã liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp ở cả đầu vào và đầu ra nên dù dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay, nhưng quy trình sản xuất của HTX vẫn được bảo đảm theo đúng kế hoạch.
Cần thêm nhiều sự hỗ trợ
Tương tự, nhờ mạnh dạn áp dụng phương pháp nuôi lợn an toàn sinh học, HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (thôn Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội) không chỉ đứng vững giữa cơn “bão giá” lợn kéo dài, mà còn duy trì nghề chăn nuôi trong đợt dịch Covid-19 để thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.
Để các HTX chăn nuôi phát triển ổn định, cần thêm các nguồn lực hỗ trợ thiết thực hơn. |
Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường chia sẻ: “Khác với chăn nuôi truyền thống, nuôi lợn sinh học có những yêu cầu khắt khe, phải chú trọng đồng bộ khâu chuồng lồng cho lợn hậu bị, chuồng sàn cho lợn nái, chuồng úm lợn con, chuồng cho lợn thịt riêng biệt cho đến hệ thống cho ăn, nước uống, kho chứa thức ăn, hệ thống xử lý chất thải đầy đủ. Bên cạnh đó, cần cách ly người ra vào trại lợn là ưu tiên số một để tránh việc mang mầm bệnh”.
Hiện, HTX đang phát triển sản xuất theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, đến sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm, duy trì hệ thống chuồng nuôi mỗi hộ với số lượng 300 con lợn, áp dụng hiệu quả phương thức chăn nuôi an toàn với các loại thức ăn sinh học có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Có thể thấy, nhiều HTX chăn nuôi đang linh hoạt, sáng tạo để thích ứng trong đại dịch. Tuy nhiên, về giải pháp căn cơ để chăn nuôi bền vững, Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ có dòng ngân sách ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, nông dân khi tham gia và phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi, trong đó tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xác định đúng thị trường, nhận diện được tiềm năng, hỗ trợ kịp thời và xác nhận cho các chuỗi giá trị cho sản phẩm thương hiệu quốc gia, vùng, OCOP và sản phẩm đặc hữu.
Các doanh nghiệp được coi là nòng cốt trong các chuỗi, vì vậy cần chủ động đổi mới hình thức tổ chức sản xuất-kinh doanh. Trong đó, xác định rõ nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh liên kết với nông dân, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASEAN GAHP... để cung ứng các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của các thị trường.
Nhật Minh