Vụ hè thu, người nông dân ở các xã vùng đông huyện Thăng Bình sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời. Mặc dù địa phương đã đầu tư nhiều giếng bơm ở các cánh đồng nhưng cũng không có nước. Còn ở những nơi khác, tình trạng đất bùn lầy quá sâu nên khi người dân gieo sạ thì bị chuột cắn phá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, làm lúa bấp bênh nên người dân dần "bỏ quên" đồng ruộng.
Không còn mặn mà với nghề nông
Theo ông Võ Văn Mười (thôn 1, xã Bình Dương), vụ hè thu vừa qua gia đình ông đã phải bỏ hoang một mẫu ruộng do thiếu nước. Cánh đồng khô cằn đang bị bỏ hoang để cho trâu, bò đứng gặm cỏ. Đất ruộng bỏ hoang, ông chỉ còn cách đi làm công nhân cho các công trình đang xây dựng ở địa phương để kiếm thêm thu nhập. Khi đã có được thu nhập từ nghề mới này thì ông không còn mặn mà với nghề nông nữa.
Những năm gần đây, tình trạng bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp ở huyện Thăng Bình tiếp tục gia tăng (Ảnh: TL) |
“Đi làm công nhân thì một tháng chí ít cũng thu nhập tầm 6 triệu, còn làm nông cả năm trời lãi khoảng 10 triệu, tính ra đi làm công trình hiệu quả hơn” - ông Mười nói.
Giống như gia đình ông Mười, ở tuổi ngoài 60, bà Lê Thị Tám (thôn 1, xã Bình Dương) chỉ còn biết trông chờ vào 3 sào đất màu trồng cây khoai lang. Còn 4 sào đất sản xuất lúa ở vụ này cũng bị bỏ hoang do thiếu nước sản xuất. Bà Tám cho biết, nếu bơm nước từ mương lên thì tốn nhiều tiền dầu. Mà đối với cây lúa, đâu phải chạy nước lên tưới một lần là xong, mà phải túc trực từ khi xuống giống cho đến lúc lúa trổ. Nhiều người ở đây tính toán quy ra tiền đầu tư cho cây lúa thấy tốn quá nên họ bỏ đất, chỉ sạ vụ đông xuân để kiếm lúa ăn cả năm.
“Chẳng qua bây giờ tuổi đã cao nên tôi mới bám trụ trên mấy sào khoai lang, chứ nếu còn trẻ thì tôi cũng xin đi làm ở các công trình hoặc khu nghỉ dưỡng mới mọc lên, vì làm ở đó thu nhập khá cao so với làm nông ” - bà Tám chia sẻ.
Theo thống kê của xã Bình Dương, vụ hè thu vừa qua, toàn xã có đến 100ha diện tích sản xuất lúa và cây màu bị bỏ hoang. Ngoài ra, tại các xã Bình Đào và Bình Hải cũng có gần 60ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang tương tự. Và con số này còn có chiều hướng gia tăng theo từng vụ nên ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác.
Thuê đất bỏ hoang để sản xuất lúa
Ba năm trở lại đây, toàn bộ diện tích đất lúa ở khu phố 4 (thị trấn Hà Lam) bị bỏ hoang. Trước thực trạng này, đầu vụ hè thu, HTX Nông nghiệp thanh niên Thăng Bình đã đứng ra thuê đất của 45 hộ dân tại đây để sản xuất giống nếp Hương Lân. Điều khá thuận lợi cho HTX là các nông hộ đều thống nhất giao đất, thậm chí nhiều hộ hiến đất cho HTX sử dụng đến 3 năm, với tổng diện tích khoảng 3ha.
Ruộng sâu nhiều bùn làm cho người dân gặp khó khăn trong việc sản xuất lúa (Ảnh: TL) |
Tự nguyện hiến hơn 1.000m2 đất cho HTX Nông nghiệp thanh niên Thăng Bình sản xuất, ông Huỳnh Diên (ở khu phố 4) cho biết, mỗi khi gieo hạt giống xuống lập tức chuột vào cắn phá. Không chỉ đầu vụ, mà cho đến cuối vụ vẫn bị chuột gây hại. Xong mùa, tính đi tính lại nhận thấy thu về chẳng được bao nhiêu mà công cán, thuốc bảo vệ thực vật bỏ ra đã tiền triệu. Tính thế nên bà con ở khu này đành bỏ hoang đất.
“Khi HTX ngỏ ý thuê lại đất để cải tạo sản xuất, bà con ở đây phấn khởi giao ngay. Riêng tôi và mấy hộ nữa đã đồng ý hiến liền 3 năm để HTX yên tâm sản xuất, cải tạo lại khu vực này. Từ đó cũng hi vọng HTX sẽ mang lại hướng phát triển mới về nông nghiệp cho người dân địa phương.”, ông Diên nói.
Theo ông Trần Hữu Tịnh - Giám đốc HTX Nông nghiệp thanh niên Thăng Bình, bà con miễn tiền thuê đất cho HTX là điều khá thuận lợi. Tuy nhiên hầu hết diện tích mà HTX thuê lại đều rất khó sản xuất. Chỉ tính riêng 7ha tại khu phố 4, thị trấn Hà Lam, trước khi cấy nếp, HTX phải cải tạo đất, vệ sinh toàn bộ khu vực. Do ở đây quá lâu không sản xuất nên bờ vùng, bờ thửa nhấp nhô, bụi rậm xung quanh um tùm trở thành nơi trú ẩn của chuột.
Ngoài ra, đất ở đây sình lầy và sâu nên việc đưa vào cơ giới hóa cũng khó khăn. Toàn bộ diện tích này phải thuê hơn 100 công lao động để cấy. Mỗi công lao động của nữ giới được HTX trả từ 250 - 280 nghìn đồng/ngày, nam giới là 320 nghìn đồng/ngày. Mặc dù việc cấy tốn khá nhiều công nhưng điểm thuận lợi là cây lúa đã lớn nên không bị chuột, ốc bươu vàng cắn phá.
Ông Tịnh cho biết, vụ hè thu này là mùa thứ 2 HTX Nông nghiệp thanh niên Thăng Bình đứng ra thuê đất của bà con nông dân để sản xuất lúa và nếp. Ở vụ này, HTX thuê khoảng 20ha đất của nông dân ở các xã Bình Nguyên, thị trấn Hà Lam, Bình Phục và Bình Đào để sản xuất các giống nếp Hương Lân, nếp Cẩm, lúa ST24.
“Đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang trên địa bàn huyện Thăng Bình ngày càng nhiều. Do vậy với vai trò là HTX nông nghiệp, chúng tôi cũng mong muốn góp sức để giải quyết phần nào bài toán bỏ đất hoang. Đặc biệt, HTX hướng đến khôi phục các loại nếp Hương Lân, nếp Cẩm và gạo ST24 để tạo ra mặt hàng có giá trị kinh tế trên thị trường, không chỉ mở hướng đi riêng cho HTX Nông nghiệp thanh niên Thăng Bình, mà còn góp phần tạo hướng đi mới về nông nghiệp để người dân yên tâm sản xuất, ổn định chất lượng cuộc sống.” - ông Trần Hữu Tịnh nói thêm.
Nhật Nam