Thành công của các mô hình liên kết chăn nuôi theo hướng an toàn sinh thái là một trong những nhân tố góp phần đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã Minh Quán, huyện Trấn Yên.
Lợi kinh tế, ích môi trường
Trong hàng chục trang trại chăn nuôi hiệu quả, HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp Minh Quán đang đóng vai trò “đầu tàu”, trở thành điểm tựa phát triển kinh tế của thành viên, hộ liên kết, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Cùng với HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp Minh Quán, trên địa bàn xã còn hình thành thêm 2 nhóm liên kết chăn nuôi gà thương phẩm, phát huy tốt vai trò hỗ trợ cho các hộ nông dân chăn nuôi làm giàu.
Sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn sinh thái mang lại lợi ích kép về kinh tế, môi trường. |
Sở hữu trang trại gà hơn 3.000 con, anh Nguyễn Văn Nam (xã Minh Quán) chia sẻ: “Việc liên kết giúp chúng tôi trao đổi kinh nghiệm, học hỏi thêm kỹ thuật mới, được hỗ trợ toàn diện từ cải tạo chuồng trại, lựa chọn giống, thức ăn chăn nuôi đến khâu quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Bên cạnh ổn định về kinh tế, việc tham gia vào HTX giúp các hộ thành viên nắm vững kỹ thuật chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường.
Điển hình, trong quá trình chăn nuôi, các trang trại đều phải có khu tập trung chất thải đúng quy định, không gây mùi hôi, mất vệ sinh công cộng. Các chất thải được xử lý vi sinh, ủ hoai thành phân bón, phục vụ trồng trọt, vừa tiết kiệm chi phí vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiệu quả từ các mô hình liên kết chăn nuôi đang tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Minh Quán chuyển đổi các mô hình trồng trọt giá trị thấp sang chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại.
Theo thống kê, toàn xã đang có hơn 30 hộ chăn nuôi gà quy mô lớn với số lượng từ 3.000 đến hơn 10.000 con/lứa; hàng trăm hộ liên kết chăn nuôi với gần 40 trang trại. Mỗi năm, các hộ trong xã đã xuất bán khoảng gần 500 tấn gà thịt.
Tương tự, tại xã Y Can, HTX Rau an toàn Minh Tiến đã đồng hành, hướng dẫn thành viên hoàn thiện chứng nhận VietGAP cho 1,4 ha rau, đến nay mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Y Can là xã có nhân lực lao động dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề trồng rau màu, đây cũng được xác định là ngành chủ lực và thế mạnh của địa phương. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của địa phương, HTX Minh Tiến được thành lập vào năm 2020 và hoạt động theo Luật HTX 2012.
Nhân rộng các mô hình điểm
Đến nay, 100% các thành viên HTX Minh Tiến đều đã thay đổi thói quen canh tác theo hướng "xanh” với môi trường. Cụ thể, các hộ ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, cây xanh băm ủ hoai mục thay thế cho phân hóa học.
Sản xuất khoa học, thân thiện môi trường là chìa khóa cho nền nông nghiệp bền vững. |
Với thuốc bảo vệ thực vật, HTX tuyệt đối chỉ phun đúng loại, cách ly đủ ngày. 10 ngày sau khâu làm đất, phơi đất cho khô, làm sạch nấm mốc, khử khuẩn diệt nấm, thành viên mới tra giống, gieo hạt.
Thêm vào đó, thành viên HTX chỉ phun thuốc nấm khi cây trổ 3 lá và kể từ đó chỉ tưới nước cho cây. Với cách làm này, lượng thuốc bảo vệ thực vật đã giảm 70%, phân bón giảm 50% so với canh tác truyền thống.
Ngoài tuân thủ các kỹ thuật sản xuất, HTX còn vận động thành viên đầu tư xây dựng nhà màng để trồng rau. Trong nhà màng, thành viên sắp xếp, bố trí các khu vực gieo cấy hợp lý, bảo đảm trong vườn luôn có đủ các loại rau và có khoảng cách giữa rau mới trồng và rau đến kỳ thu hoạch nên thời điểm nào cũng có rau bán.
“Từ khi làm nhà màng, không những các loại rau không bị sâu bệnh, thành viên còn trồng được rau trái vụ nên cho năng suất, chất lượng. Thu nhập sau khi trừ chi phí, mỗi hộ dao động khoảng 150- 400 triệu đồng/năm”, chị Nguyễn Thị Mến, Giám đốc HTX Minh Tiến, cho biết.
Cũng có thể kể đến mô hình liên kết trồng khoai tây được xã Minh Quân hợp tác với Viện Sinh học Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Minh Quân triển khai tại thôn Tiền Phong, với 86 hộ tham gia sản xuất 13,3 ha trên đất hai vụ lúa.
Theo cam kết, các hộ tham gia được Viện Sinh học Nông nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cán bộ kỹ thuật hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng an toàn sinh thái, hỗ trợ máy móc thiết bị làm đất, đồng thời được bao tiêu toàn bộ khoai thương phẩm.
Qua những mô hình điểm, có thể thấy rằng so với hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết hoạt động trong các HTX, tổ hợp tác, có kết nối với doanh nghiệp sẽ giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, dễ dàng tìm kiếm thị trường, nâng sức cạnh tranh.
Theo đó, trong thời gian tới, xã cần tiếp tục vận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là từ các chương trình nông thôn mới, giảm nghèo… nhằm nâng cao hiệu quả, nhân rộng các mô hình điểm, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Lệ Chi